Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng.

Các quy định pháp luật về việc cổ phần hóa các Doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đã và đang được hoàn thiện để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của Nhà nước, đồng thời bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước.

Hiện nay, việc cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước đang được thực hiện theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ở giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai nên quá trình cổ phần hóa sẽ có nhiều vướng mắc xảy ra.

 Theo Luật sư Trần Đức Thắng thì trường hợp có sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Công ty Mai Động gây thất thoát tài sản của Nhà nước thì cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Hương My