Về vấn đề này Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
 Luật sư Bùi Quang Thu.

Theo quy định pháp luật tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP định nghĩa về vi bằng như sau: Vi bằng là “văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức”.

Văn bản công chứng và vi bằng là hai loại giấy tờ đều có giá trị pháp lý, giữ vai trò khác nhau trong những sự việc dân sự. Thẩm quyền, phạm vi và giá trị pháp lý của vi bằng cũng đã được ghi nhận cụ thể tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP, cụ thể căn cứ vào Điều 36 của Nghị định này thì Thừa phát lại được phép lập vi bằng để ghi nhận các sự kiện hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan tổ chức, cá nhân. Cá nhân thực hiện việc lập vi bằng trong phạm vi toàn quốc trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này. 

- Vi bằng khi được sử dụng không thể thay thế cho văn bản công chứng, văn bản chứng thực hoặc các văn bản hành chính khác; 

- Giá trị pháp lý của vi bằng được hiểu là nguồn chứng cứ để Tòa án có thể cân nhắc xem xét tiến hành giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo đúng quy định của pháp luật; Đây cũng là một trong những căn cứ để thực hiện các giao dịch giữa các cơ quan tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật; 

- Để hỗ trợ cho quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng nếu thấy thật sự cần thiết thì Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan yêu cầu làm rõ tính xác thực tiến thành lập vi bằng. Nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng để làm rõ tính xác thực thì Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải có mặt khi được triệu tập. 

Với quy định nêu trên thì vi bằng được hiểu là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự, hành chính. Đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng hỗ trợ thực hiện các giao dịch giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vi bằng sẽ không được sử dụng để thay thế cho các văn bản công chứng, văn bản chứng thực.

Sự khác nhau giữa vi bằng và văn bản công chứng:

+ Văn bản công chứng được hiểu là những hợp đồng, giao dịch, bản dịch được Công chứng viên tiến hành công chứng, chứng nhận nội dung theo đúng quy định của Luật Công chứng;

+ Vi bằng là văn bản được cá nhân có thẩm quyền ghi nhận sự kiện, hành vi diễn ra thật trên thực tế. Việc lập vi bằng phải thực hiện bởi Thừa phát lại và cá nhân này chứng kiến trực tiếp lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

– Đối với chủ thể thực hiện:

+ Văn bản công chứng bắt buộc phải được thực hiện bởi Công chứng viên. Để trở thành Công chứng viên để đảm bảo những điều kiện cơ bản mà pháp luật đã quy định;

+ Vi bằng sẽ được lập nên bởi Thừa phát lại;

- Liên quan đến nội dung của văn bản công chứng và vi bằng: Văn bản công chứng được thực hiện bao gồm các nội dung liên quan đến hợp đồng giao dịch, bản dịch; trong văn bản công chứng thì phải có lời chứng của công chứng viên về tính hợp pháp của các nội dung các bên thỏa thuận với nhau;

+ Vi bằng lập bằng văn bản và phải đảm bảo các nội dung cơ bản dưới đây:

Thừa phát lại khi lập vi bằng sẽ lựa chọn tiếng việt để thực hiện; 

Nội dung để lập biên bản bao gồm: Tên, địa chỉ văn phòng thừa phát lại; họ tên Thừa phát lại khi tiến hành lập vi bằng; những thông tin liên quan đến địa điểm, thời gian lập vi bằng; tên các cá nhân, người yêu cầu lập vi bằng hoặc người tham gia nếu có; nội dung yêu cầu lập vi bằng; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận; cá nhân là Thừa phát lại chịu trách nhiệm đối với hành động của mình trong việc lập vi bằng nên trong văn bản này phải có lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan; Thừa phát lại  có trách nhiệm ký tên mình, đóng dấu Văn phòng thừa phát lại; điểm chỉ của người yêu cầu lập vi bằng, người tham gia khác (nếu có) và người có hành vi bị lập vi bằng nếu họ có yêu cầu.

 Một trong những nội dung quan trọng phân biệt giữa vi bằng và văn bản công chứng đó là giá trị pháp lý của hai loại giấy tờ này: 

+ Đối với văn bản công chứng sau khi được ký kết và được đóng dấu bởi tổ chức hành nghề công chứng thì văn bản này chính thức có hiệu lực. Hợp đồng, giao dịch hoặc bản dịch được công chứng sẽ chỉ có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan đã thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ vi phạm thỏa thuận thì bên kia có thể căn cứ vào văn bản công chứng để yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp quy định của pháp luật có ghi nhận khác); trong những vụ việc xảy ra tranh chấp thì hợp đồng giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; làm cơ sở để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm phạm quyền.  Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

+ Đối với lập vi bằng thì đây cũng được coi là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi tiến hành giải quyết vụ việc dân sự và hành chính. Vi bằng cũng là một trong những căn cứ thực hiện giao dịch giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

 

Hương My(T/h)