Liên quan đến vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng vay giữa vợ chồng anh Nguyễn Văn Út và chị Lê Thị Kim Hạnh với Ngân hàng TMCP Kiên Long về phạt chậm trả lãi trong hợp đồng tín dụng, VKSND huyện Giồng Riềng đã thông tin sự việc như sau:
|
|
VKSND huyện Giồng Riềng thông tin, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. (Ảnh minh hoạ) |
Theo VKSND huyện Giồng Riềng, ngày 11/1/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP để hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Theo đó, tại thời điểm xét xử sơ thẩm, Điều 8 của Nghị quyết có hướng dẫn:
Đối với hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 1/1/2017 thì lãi trong hợp đồng được xác định bao gồm:
+ Một là, lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả được xác định theo lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất tương ứng với thời hạn vay chưa trả.
+ Hai là, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng phải phù hợp với quy định pháp luật về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng.
Đối với hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 1/1/2017 thì lãi trong hợp đồng được xác định bao gồm:
+ Một là, lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ gốc quá hạn được xác định theo như hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 1/1/2017 như trình bày trên.
+ Hai là, trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định tương ứng với thời gian chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn.
Vậy, cần xác định được mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định đối với việc tính lãi chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn. Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 466, khoản 2 Điều 468 của BLDS 2015 và điểm b khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng thì: Trong trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi vay thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017 và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực từ ngày 15/3/2019. Như vậy, kể từ ngày 15/3/2019, đối với các hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 1/1/2017, khách hàng không phải trả khoản lãi phạt chậm trả của số tiền lãi chưa trả, mặc dù trong hợp đồng có thỏa thuận.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 29/12/2011, vợ chồng anh Nguyễn Văn Út và chị Lê Thị Kim Hạnh có ký hợp đồng tín dụng vay của Ngân hàng TMCP Kiên Long số tiền 900 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 2%/tháng, lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay và lãi phạt chậm trả bằng 0.1%/ngày/số tiền chậm trả và số ngày chậm trả.
Hợp đồng vay có bảo đảm bằng tài sản thế chấp là 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong quá trình vay, vợ chồng ông Út đã thanh toán được 48,2 triệu đồng tiền lãi. Khi đến hạn thanh toán ngân hàng yêu cầu trả nợ nhưng vợ chồng ông Út không thực hiện thanh toán hết nợ nên ngân hàng khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Út phải trả số tiền gốc là 900 triệu đồng, các khoản lãi (tạm tính đến ngày 15/6/2018), lãi trong hạn là 174,6 triệu đồng, lãi quá hạn: 1,6 tỷ đồng, tiền phạt chậm trả lãi là 361 triệu đồng, tổng cộng số tiền là: 3,1 tỷ đồng.
Theo nội dung quan hệ tranh chấp, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều1 Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 3/2/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo quyết định số 1627/2001/ QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì “Đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn … việc phạt chậm trả đối với nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay do hai bên thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật”.
Do phạt chậm trả trong hợp đồng tín dụng là một hình thức phạt vi phạm hợp đồng nên theo quy định tại khoản 1 Điều 422 Bộ luật dân sự 2005 quy định về phạt vi phạm thì “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”.
“Như vậy, phạt vi phạm trong hợp đồng chỉ áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng. Theo đó, trong hợp đồng tín dụng, nếu bên vay chậm trả nợ gốc, nợ lãi thì họ có thể bị phạt vi phạm hợp đồng bằng một khoản tiền nhất định. Nhưng trong hợp đồng tín dụng trên, việc ngân hàng đưa ra điều khoản tính phạt chậm trả lãi bằng 0,1%/ngày trên số tiền chậm trả là không phù hợp với quy định của pháp luật” VKSND huyện Giồng Riềng nhận định.
Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang ngày 15/10/2018, qua động viên, giải thích pháp luật, cũng như nhận định của Tòa án, phía ngân hàng cũng có phần lỗi kéo dài thời gian khởi kiện đòi nợ, ảnh hưởng đến khoản nợ của vợ chồng ông Út, phía đại diện ngân hàng thống nhất không tính lãi phạt vi phạm hợp đồng số tiền là 361 triệu đồng và sẽ trình ý kiến xem xét giảm lãi cho vợ chồng ông Út.
Nội dung bản án tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ngân hàng, buộc vợ chồng ông Út có nghĩa vụ liên đới thanh toán nợ gốc và nợ lãi tạm tính đến ngày 15/6/2018 là 2,7 tỷ đồng, ghi nhận việc tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện của ngân hàng, ngoài ra còn tuyên về khoản lãi quá hạn của nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên đã thỏa thuận cho đến khi thanh toán xong khoản nợ, quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp và án phí./.