* Người nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ là nạn nhân

Đại dịch COVID-19 đã giết chết hàng triệu người trên thế giới, tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 18/7/2021 cả nước đã phát hiện 43.458 ca nhiễm, trong đó có 254 trường hợp tử vong.

Với tính chất nguy hiểm và diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan, phát triển của dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh sự tuyên truyền phòng tránh dịch bệnh, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm liên tục, hiệu quả từ các ngành chức năng thì cũng xuất hiện không ít cá nhân lan truyền những thông tin sai sự thật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền nhân thân, quyền riêng tư của người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 được pháp luật bảo vệ, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự địa phương, gây hoang mang trong dư luận.

leftcenterrightdel
 Một số Infographics về Giảm kỳ thị đối với những người mắc COVID-19 do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam xây dựng

Chúng ta phải khẳng định, bệnh nhân COVID-19  là nạn nhân của đại dịch này, họ không phải tội phạm, càng không phải là nguyên nhân tạo ra dịch bệnh, nhưng chỉ vì một lý do nào đó, họ không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Hơn ai hết, họ rất cần sự cảm thông, động viên để vượt qua bệnh tật như bao bệnh nhân bình thường khác.

Theo quy định, người nhiễm, hoặc nghi nhiễm, hoặc người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 đều phải có trách nhiệm cung cấp trung thực, đầy đủ thông tin về lịch trình di chuyển, tiếp xúc cho cơ quan chức năng và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nếu vi phạm sẽ bị cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin được quyền cung cấp, phát tán những thông tin này lên mạng xã hội hay phương tiện truyền thông khi chưa được phép.

Tất cả mọi cá nhân nói chung và bệnh nhân COVID-19 nói riêng, không ai mong muốn thông tin cá nhân của mình lại bị người khác tùy ý sử dụng, chia sẻ công khai trên mạng xã hội. Khi không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2, người bệnh sẽ có những tổn hại sức khỏe nhất định về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng có lẽ, điều làm họ suy sụp, tổn thương nhất chính là sự soi mói, kỳ thị không đáng có từ cộng đồng, việc chia sẻ thông tin cá nhân của họ có thể gây ra nhiều hệ lụy trong cuộc sống, uy tín, danh dự cá nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí gia đình tan nát.

Đã có trường hợp, lịch trình và thông tin cá nhân của người bệnh bị bàn tán, suy diễn khiến cuộc sống của những người không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và người thân của họ rơi vào khủng hoảng. Thực tế cũng dễ dàng nhận thấy, mặc dù cơ quan chức năng chưa chính thức công bố ca nhiễm mới thì những thông tin về ca bệnh đã xuất hiện tràn lan trên các diễn đàn mạng xã hội, rất khó kiểm soát và thường bị suy diễn.

* Phát tán thông tin cá nhân người nhiễm COVID-19 là vi phạm pháp luật

Cụ thể, Điều 21 Hiến pháp năm 2013, tại khoản 1 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, cụ thể tại Điều 38, Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định rất rõ ràng.

leftcenterrightdel
Dòng trạng thái trên tài khoản Facebook của một đối tượng tại TP Cần Thơ được cơ quan chức năng xác định là sai sự thật về bệnh nhân COVID-19

Bên cạnh đó, người nhiễm virus SARS-CoV-2 còn có quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư theo quy định tại Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Bác sỹ điều trị và nhân viên y tế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh theo quy định tại  Khoản 3, Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; phải giữ bí mật về những điều có liên quan đến bệnh tật hoặc đời tư mà mình được biết về người bệnh (Điều 25, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân); đồng thời chỉ được phép công bố thông tin người bệnh khi họ đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định (Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh).

Việc đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc về bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của người khác khi chưa có sự đồng ý của họ cũng được xem là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 17, Luật An ninh mạng năm 2018. Ngoài ra, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định các hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác; bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội làm nhục người khác (Điều 155), tội vu khống (Điều 156),…

Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ cũng quy định “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” (khoản 3, Điều 102).

Mới đây, ngày 21/5/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 4191/BYT-TT-KT về việc phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân. Chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi đã từng có người dương tính với COVID-19 đến) để người dân đã từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó thực hiện ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh theo hướng dẫn của ngành y tế.

Rõ ràng, pháp luật không cho phép bất cứ một tổ chức, cá nhân nào được tự ý sử dụng, phát tán thông tin của người khác khi chưa có sự đồng ý của họ. Việc tự ý đăng tải, lan truyền thông tin cá nhân các trường hợp F0, F1, F2,… lên mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông (khi chưa được phép) hành vi trái pháp luật.

Đại dịch COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Nhiều công ty, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, đời sống người dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Việc tuyên truyền thông tin cảnh báo dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng để cùng chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh là việc làm cần thiết, tuy nhiên những hành vi vô tình hay cố ý vi phạm pháp luật cũng cần phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh./.
Hải Sơn