Trả lời :

Thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ, do đó chúng tôi có thể tư vấn cho bạn theo hướng như sau:

Thứ nhất: Việc bạn muốn mở cửa hàng thương hiệu thời trang ELLE mà chưa được sự cho phép của  thương hiệu này mà  bạn tự ý mở và kinh doanh thì hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ hai: Nếu bạn vẫn muốn có nhu cầu kinh doanh mở cửa hàng thương hiệu thời trang ELLE thì gia đình bạn cần đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu của thương hiệu này.

Luật thương mại 2005 quy định:

Điều 284. Nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền.

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Tuy nhiên để nhận quyền thương mại thì bạn phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định 35/2006/NĐ-CP:

Điều 6. Điều kiện đối với Bên nhận quyền

Thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.

Ngoài ra theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về hạn chế đối tượng được phép thành lập kinh doanh:

Điều 18. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

"...

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng”.

Vì vậy, những người thuộc một trong những trường hợp trên thì không được phép cấp giấy đăng ký kinh doanh. Như vậy căn cứ các điều luật trên, trong trường hợp bạn vẫn muốn mở shop thời trang mang thương hiệu đó thì bạn nên xem mình có đủ điều kiện thì thực hiện thủ tục nhượng quyền thương mại với doanh nghiệp có thương hiệu đó nhằm thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh và đem lại lợi nhuận  cao hơn.   

Luật sư: Trần Văn Kiệm