Liên tiếp xuất hiện công văn giả mạo
Lâu nay, làm giả con dấu, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức đang là vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Hành vi làm giả con dấu, giấy tờ để thực hiện trục lợ bất chính và hoạt động phạm tội của nhóm tội phạm này ngày càng trở nên tinh vi và thủ đoạn hơn, dẫn đến không ít người dân bị lừa và phải chịu thiệt thòi.
Gần đây nhất, mạng xã hội lan truyền văn bản giả mạo về việc kéo dài thời gian nghỉ học đến ngày 21/2/2020 vì dịch bệnh Covid-19 khiến phụ huynh, HS hoang mang. Sau đó, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định, thông tin lan truyền "cho HS tiếp tục nghỉ học do lo ngại việc lây nhiễm virus Corona" là thông tin giả mạo.
Để làm rõ thông tin, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Công an phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Thông tin - Truyền thông điều tra làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với việc giả mạo văn bản cho HS nghỉ học.
|
|
Giáo viên trường Mầm non Hoạ Mi 3 (TP Hồ Chí Minh) vệ sinh lớp học. (Ảnh: Bảo Châu) |
Trước đó, ngày 6/2, HS, giáo viên ở tỉnh Sóc Trăng phát hiện trên mạng xã hội thông tin đăng tải nội dung về việc tiếp tục cho HS, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công văn số 147/SGDĐT-VP do bà Nguyễn Thị Tuyết Hà - Giám đốc Sở GD-ĐT ký.
Cụ thể nội dung như sau: "Sở GD-ĐT thông báo thời gian nghỉ học cho HS, sinh viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được nghỉ học từ ngày 10/2/2020 đến hết ngày 16/2/2020, ngày 17/2/2020 (thứ Hai) sẽ đi học lại bình thường".
Qua xác minh, ông Bùi Nguyễn Huy Phong - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng thông tin đến báo chí đây là văn bản giả mạo, đăng tải thông tin sai sự thật. Sau đó, Sở đã ban hành công văn “hỏa tốc” bác đăng tải thông tin về thời gian cho HS, sinh viên nghỉ học không đúng sự thật.
Đồng thời cũng yêu cầu các đơn vị chủ động, tích cực tuyên truyền, quán triệt đến công chức, viên chức, người lao động, HS, sinh viên thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, của ngành và phối hợp tốt với địa phương về việc phòng, chống dịch Covid-19. Tuyệt đối không được đăng tải thông tin sai sự thật.
Có thể bị xử lý hình sự
Liên quan đến việc làm giả giấy tờ, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, giấy tờ giả có thể được xác định giả về mặt hình thức thể hiện như chứng minh nhân dân giả, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm bằng phôi giả. Giấy tờ giả cũng có thể được thực hiện thông qua việc làm giả về quá trình, về thẩm quyền cấp, nơi cấp.
Ngoài ra, giấy tờ giả cũng có thể thể hiện ở trường hợp giấy tờ có chữ ký, có con dấu và mẫu giấy thật nhưng tên của người trong tài liệu và thông tin trên tài liệu là giả hoặc được cấp cho người không đủ điều kiện, không thực hiện đúng quy trình, quy định, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, sử dụng giấy tờ giả không chỉ ảnh hưởng đến lòng tin, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp nhận loại giấy tờ này từ người sử dụng giấy tờ giả, mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho người có thông tin bị đưa ra để làm giấy tờ giả. Việc sử dụng giấy tờ giả còn là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự quản lý xã hội. Điều 12 Nghị định 167/2013 quy định, hành vi Khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Người có hành vi sử dụng giấy tờ giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự năm 2015, (sửa đổi bổ sung năm 2017) với khung hình phạt là có thể từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc bị phạt tù đến 7 năm, tùy theo từng mức độ vi phạm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
“Với trường hợp phát hiện sử dụng giấy tờ giả, để xử lý hình sự thì phải chứng minh được người sử dụng dùng vào mục đích trái pháp luật khác. Quan trọng nằm ở việc là họ sử dụng giấy tờ giả đó vào mục đích gì” - luật sư Diệp Năng Bình cho hay.
Theo Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân.
Qua quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.
Đối với người sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, lan truyền tin đồn thất thiệt, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ mục đích của việc làm này. Nếu cá nhân chia sẻ nhưng không biết đó là tin thất thiệt và không vì động cơ, mục đích xấu thì được miễn xử lý. Tuy nhiên, người nào tìm kiếm, chia sẻ thông tin sai sự thật với động cơ, mục đích xấu hay tư lợi cá nhân thì cũng đủ căn cứ xử lý.
|