Ngày 26/5, Sở Tư pháp Đà Nẵng có văn bản gửi Sở Y tế, công an thành phố và UBND các quận, huyện để hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai báo y tế online không trung thực.

Theo đó, áp dụng khoản 3, Điều 7 Nghị định 117 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người khai báo y tế online không trung thực sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh; cố y khai báo thông tin sai sự thật; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Đối với hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng theo điểm a, khoản 2 Điều 12 Nghi định 117. Áp dụng khoản 2 Điều 14 Nghị định 117, phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thầm quyền.

Theo Sở Tư pháp Đà Nẵng, cơ sở cho việc xử phạt này căn cứ vào Quyết định 219 ngày 29/10/2020 của Bộ trưởng Y tế, bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2017.

Bên cạnh đó, trong các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu toàn bộ người dân trên địa bàn nghiêm túc thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế, trong đó có nội dung "khai báo y tế trung thực, kịp thời theo quy định".

Sở Tư pháp Đà Nẵng cũng hướng dẫn các ngành chức năng áp dụng điểm a, khoản 2 Điều 7 Nghị định 117 để xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng với người không thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền, trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm. Cơ quan chức năng cũng có thể áp dụng mức phạt như trên để xử phạt người không đăng ký theo dõi sức khoẻ với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra viện, hoặc kết thúc điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Hiện nay việc khai báo y tế được thực hiện bằng nhiều hình thức khai báo trực tiếp và khai báo y tế online. Khai báo y tế là dữ liệu, nguồn thông tin quan trọng để cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 như truy vết, xác định nguồn lây và xác định các trường hợp F1, F2, F3,...

Việc những người nghi ngờ mắc bệnh, hoặc trở về từ vùng dịch đã được thông báo cách ly thực hiện khai báo y tế online không trung thực theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phòng, chống dịch trên địa bàn.

Lê Tâm