Tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán quy định: “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.

Trong đó, mọi hành vi được thua bằng tiền hay hiện vật như: chơi lô đề, xóc đĩa, tá lả,… đều được coi là một hình thức đánh bạc và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hình sự:

Nếu ghi lô, đề với số tiền trên 5 triệu hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã từng có tiền án, tiền sự về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc mà tái phạm, người chơi có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc.

Cụ thể, Điều 321 Bộ luật Hình sự quy định về tội Đánh bạc như sau:

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội có thể bị áp dụng mức phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 50 triệu đồng.

 

leftcenterrightdel

Điện thoại và tiền mà lực lượng Công an thu giữ trong một vụ án ghi lô đề và cá độ bóng đá. 

Nhắn tin ghi lô đề qua Zalo, Facebook có bị coi là "đánh bạc qua mạng"?

Đánh bạc qua mạng là sử dụng mạng internet, phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến trái phép.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự, việc sử dụng mạng internet, phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến là một trong những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với Tội đánh bạc.

Vậy câu hỏi đặt ra là, trường hợp ghi lô đề qua Zalo, Facebook… thì có bị coi là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm c khoản 2 Điều 321 hay không?

Để thống nhất trong giải quyết vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn tại Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018  như sau:

“Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc).

Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber.... để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, nếu như chỉ dùng Zalo, Facebook để nhắn tin ghi số lô, đề thì không bị coi là một tình tiết định khung tăng nặng của tội Đánh bạc theo điểm c khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015.

Hồng Vân