Tăng giá bán khẩu trang, thiết bị vật tư y tế nếu chưa đến mức xử lý hình sự sẽ bị xử lý hành chính như sau:

1. Về hình thức, mức xử lý

 Thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Cụ thể:

- Đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm bán hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng: Theo Khoản 5, Điều 1, Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 109/2013/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 500.000đ đến 1.000.000 đồng. Vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;

- Đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện: Theo Khoản 3, Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra hành vi này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

- Ngoài ra, Điều 17, Nghị định 109/2013/NĐ-CP còn quy định hình thức xử phạt nặng hơn đối với Hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Cụ thể, đối với hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

2. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định Điều 42 Nghị định 109/2013/NĐ-CP; Khoản 11, Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 109/2013/NĐ-CP thì những người sau đây có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến niêm yết giá, định giá:

- Các chức danh thuộc lực lượng quản lý thị trường: Đội trưởng đội quản lý thị trường; Cục trưởng cục quản lý thị trường; Trưởng phòng chống buôn lậu, Trưởng phòng chống hàng giả, Trưởng phòng kiểm soát chất lượng hàng hóa thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương)

- Chánh Thanh tra Sở Tài chính;

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện;

- Thanh tra viên, Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ và các chức danh tương đương có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về giá thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ.

- Trưởng đoàn thanh tra liên ngành về giá;

- Chánh Thanh tra Bộ Tài chính.

- Chủ tịch UBND cấp xã được xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi  không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

 

 

 

Luật sư: Trần Văn Kiệm (Đoàn Luật sư Hà Nội)