Về vấn đề này, Luật sư Trần Anh Tú – thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Sau khi Báo BVPL phản ánh: Dù không nằm trong kế hoạch bị kiểm tra nhưng một chủ cơ sở kinh doanh tại TP Gia Nghĩa vẫn bị một cán bộ là Phó Đội trưởng quản lý thuế TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) hù dọa phạt tổng số tiền hơn 500 triệu đồng, nhằm để chiếm đoạt tài sản và sau đó vị cán bộ này đang nhận tiền của chủ cơ sở kinh doanh này thì bị Cơ quan CSĐT Công an bắt quả tang.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì:
“Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.”
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Luật quản lý thuế năm 2019 thì hành vi “Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế.
Như vậy, cán bộ thuế là người có chức vụ, quyền hạn mà nhận tiền của cơ sở kinh doanh nhằm chiếm đoạt tài sản thì tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà cán bộ đó có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
1. Xử lý hình sự:
Trường hợp cán bộ thuế nói riêng và người có chức vụ, quyền hạn nói chung nếu nhận tiền của người dân vì vụ lợi nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
“Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Cán bộ thuế đã có hành vi vượt ra khỏi phạm vi quyền hạn của mình nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như là phương tiện để thực hiện tội phạm. Để chiếm đoạt tài sản của người khác, người phạm tội có thể thực hiện tội phạm bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: lạm dụng chức vụ, quyền hạn để uy hiếp tinh thần hoặc lừa dối hoặc lạm dụng tín nhiệm.
Như vậy, cán bộ thuế có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù cao nhất lên đến mức tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.
2. Xử lý vi phạm hành chính
Nếu tính chất của hành vi vi phạm hay hậu quả gây ra chưa đủ để xử lý hình sự thì cán bộ thuế sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản liên quan. Cụ thể:
Cán bộ là Phó Đội trưởng quản lý thuế là một trong những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh. Nếu trong quá trình làm việc với các cơ sở kinh doanh, cán bộ thuế lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm là vi phạm quy định tại Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như sau:
“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm:
…..
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.”
Theo quy định tại Điều 16 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thì:
“2. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản khác của người vi phạm, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng tính chất, mức độ vi phạm, không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm quy định khác tại Điều 12 của Luật này và quy định khác của pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 19/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì:
“1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại các Điều 24, 25, 26, 27, 28 và 29 Nghị định này.”
Như vậy, nếu tính chất, mức độ hành vi vi phạm của cán bộ thuế chưa đến mức bị xử lý hình sự thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức kỷ luật tương ứng với các Điều: 24, 25, 26, 27, 28 và 29 Nghị định 19/2020/NĐ-CP như sau: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.