Tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS).
Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào (DTTS) tại khu vực miền núi (MN) luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Thanh Hóa xác định là nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật, thu hút 4.600 đại biểu từ các thôn, bản khó khăn của các huyện miền núi tham gia. Riêng năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 16 kế hoạch tuyên truyền pháp luật, đảm bảo hiệu quả và độ phủ rộng đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Qua đó, giúp đồng bào DTTS nhận thức sâu sắc hơn về pháp luật và các chính sách dân tộc, thúc đẩy quá trình phát triển bền vững tại khu vực này.
|
|
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, Ban Dân tộc Thanh Hóa đã tổ chức các Hội nghị phổ biến kiến thức cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Ảnh: QT
|
Các nội dung tuyên truyền bao gồm: Chương trình 1719, các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật An ninh biên giới quốc gia, Luật Phòng chống ma túy, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, cùng nhiều văn bản quan trọng khác. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh còn lồng ghép các nội dung thời sự liên quan đến tình hình an ninh - quốc phòng, vấn đề biên giới đất liền và biển đảo nhằm củng cố quốc phòng - an ninh và tăng cường đối ngoại nhân dân tại khu vực biên giới.
Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai Nội dung 02, Tiểu dự án 01, Dự án 10: Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt Chương trình 1719).
Theo đó, Ban Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức được 2 hội nghị tuyên truyền PBGDPL tại 17 xã của huyện Bá Thước thu hút hơn 300 đại biểu từ các thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia. Mỗi thôn, bản đều có đại diện trưởng bản, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín và các tổ chức đoàn thể như: Chi đoàn thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân tham gia hội nghị. Trong tháng 11/2024, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cũng sẽ tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho học sinh tại trường THCS dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc
Hội thi tập trung vào các văn bản luật thiết yếu như Luật Căn cước, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em và vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Những kiến thức này, sẽ giúp học sinh hiểu và chấp hành tốt pháp luật, trở thành những công dân có trách nhiệm với xã hội.
Theo ông Cầm Bá Tường - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”; triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn, cung cấp thông tin cho người có uy tín tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, phổ biến các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến đồng bào vùng DTTT&MN...
Với sự nỗ lực của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được các huyện, xã triển khai có hiệu quả.
|
|
Đồng bào DTTS ở Thanh Hóa được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật. Ảnh: QT
|
Trên địa bàn huyện Quan Sơn đang triển khai thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg, ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời ban hành kế hoạch cụ thể hàng năm. Trong đó, năm 2024, UBND huyện Quan Sơn ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND, ngày 10/7/2024 về thực hiện Nội dung số 3, Tiểu dự án 1 của Dự án 10 thuộc Chương trình 1719. Phòng Tư pháp đã phối hợp tổ chức 9 hội nghị trong tháng 9 và đầu tháng 10 về công tác trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào DTTS&MN; trong đó, tổ chức 6 hội nghị tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người DTTS, tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng DTTS&MN tại 6 xã, thị trấn (Trung Xuân, Trung Hạ, Trung Tiến, Trung Thượng, Sơn Hà, thị trấn Sơn Lư); tổ chức 3 hội nghị chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào DTTS&MN ở 3 bản gồm: bản Yên (xã Mường Mìn), bản Xuân Sơn (xã Sơn Điện), bản Mò (xã Tam Thanh).
Cùng với việc tiếp tục triển khai Luật PBGDPL, các chương trình, kế hoạch, đề án trong công tác PBGDPL, nhiệm kỳ 2020-2025 Phòng Tư pháp đã tham mưu ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện công tác PBGDPL hàng năm, qua đó, tiếp tục thể hiện quyết tâm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn huyện.
|
|
Lễ hội Mường Xia của người đồng bào dân tộc Thái góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: TA
|
Song song với thực hiện Nội dung số 3, những năm qua, huyện Quan Sơn triển khai thực hiện Nội dung số 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10 thuộc Chương trình 1719 do Phòng Dân tộc huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương vùng đồng bào DTTS&MN triển khai thực hiện. Năm 2022, thực hiện Kế hoạch số 248/KH-UBND, ngày 23/12/2022 của UBND huyện Quan Sơn về thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 10 “Trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN” thuộc Chương trình 1719, UBND huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền, vận động cho người dân ở vùng đồng bào DTTS&MN, biên giới, trong đó 6 hội nghị tổ chức tại các xã Na Mèo, Sơn Thủy, Sơn Điện, Mường Mìn, Tam Thanh, Tam Lư; 1 hội nghị tổ chức tại bản Cum, xã Trung Tiến (bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện).
Trong khi đó huyện tổ chức 6 hội nghị tại các xã, thị trấn, 7 hội nghị tại các bản, khu phố đặc biệt khó khăn nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng vùng đồng bào DTTS&MN. Hội nghị tập trung vào 4 chuyên đề, gồm: Giới thiệu về các Chương trình 1719 và các chính sách dân tộc; Tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc xóa bỏ các hủ tục, thay đổi nhận thức về cách nghĩ, cách làm góp phần XDNTM trong giai đoạn hiện nay; các nghị định, văn bản dưới luật, công tác phòng chống mua bán người, phòng chống ma túy, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh biên giới và cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hòa bình”...
|
|
Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân luôn được huyện Mường Lát quan tâm chú trọng. Ảnh: QT
|
Trên địa bàn huyện Lang Chánh, theo kế hoạch chi tiết để triển khai Dự án 10, Tiểu dự án 1, với mục tiêu tiếp cận sâu rộng đến từng thôn bản, thông qua các hội nghị, phương tiện truyền thông và các buổi tập huấn, tính từ đầu năm đến nay, huyện Lang Chánh đã phối hợp với các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Công an, Ban Chỉ huy Quân sự, Hạt Kiểm lâm huyện, Đồn Biên phòng Yên Khương và chính quyền địa phương tổ chức khoảng 20 hội nghị tuyên truyền pháp luật, với nhiều nội dung đa dạng, thiết thực.
Nhờ áp dụng hình thức tuyên truyền phù hợp, nội dung sát thực tại các địa phương đã giúp cho người dân trên địa bàn các huyện biên giới hiểu rõ và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được nâng lên.
Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã coi công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đoàn thể và các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Từ đó, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP ở địa phương và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật./.