Trao “cần câu” giúp bà con thoát nghèo
Anh Giàng A Dia, dân tộc Mông, 1 trong 26 hộ nghèo, cận nghèo của xóm Lũng Liềm, xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng vui mừng khi được chính quyền hỗ trợ bò sinh sản theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo nói: Gia đình tôi có 4 nhân khẩu với thu nhập chính từ làm ruộng nhưng đất canh tác ít nên thu nhập không cao.Tháng 9/2023, được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, trị giá trên 17 triệu đồng và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tôi rất phấn khởi. Từ nay, gia đình tôi có thêm động lực để phát triển nuôi bò, phấn đấu tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Với con bò sinh sản được hỗ trợ, gia đình tôi sẽ tập trung chăm sóc tốt, tạo sinh kế giảm nghèo bền vững.
Anh Dia chia sẻ: "Gia đình tôi xin cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Từ khi nhận được hỗ trợ và thường xuyên được cán bộ nông nghiệp, khuyến nông tập huấn kiến thức, kỹ năng chăn nuôi bò, các hộ dân như gia đình chúng tôi đã biết cách chăm sóc vật nuôi của mình. Chúng tôi đã trồng thêm cỏ, để bổ sung dinh dưỡng, kết hợp với nguồn thức ăn tinh, thực hiện nuôi nhốt, giữ ấm cho bò khi thời tiết lạnh sâu và chú ý tiêm phòng các bệnh thường gặp ở gia súc. Nhờ đó, đàn bò được bảo vệ trong điều kiện thời tiết bất lợi và phát triển ổn định. Đến nay, gia đình tôi đã chính thức thoát nghèo".
Cùng chung niềm vui với gia đình anh Dia, gia đình chị Dương Thị Ngoãn, ở xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô, lúa không có thu nhập, cuối năm 2022 khi được cán bộ chọn tham gia dự án, tham gia lớp đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà hữu cơ, hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi và có cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn, gia đình tôi nhận nuôi 50 con gà đẻ trứng trong Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mới hơn 5 tháng nhưng đàn gà đã cho lứa trứng đầu tiên, bước đầu thu về 5 triệu đồng từ tiền bán trứng, cộng với số tiền tích góp của gia đình tôi có tiền cho các con ăn học, gia đình tôi cũng nỗ lực phấn đấu thoát nghèo.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong những qua, tỉnh Cao Bằng đã tập trung thực hiện hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Nhiều tín hiệu tích cực từ Chương trình MTQG 1719
Thời gian qua, dưới dự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Cao Bằng và sự phối hợp và tạo điều kiện của các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự chủ động, tích cực tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 một cách đồng bộ với những nhiệm vụ trọng tâm, thu được nhiều tín hiệu tích cực.
Trong thời gian qua, các công trình chợ đã được đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân, đặc biệt là tại các vùng đồng bào DTTS và những khu vực còn khó khăn. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được triển khai, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đồng thời đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sự phát triển của các hoạt động này đã phát huy sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, mang lại diện mạo khởi sắc cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Thực hiện tiểu dự án 1 về Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi: Năm 2024, tiếp tục thực hiện đầu tư 639 công trình trong Tiểu dự án, trong đó: 34 công trình nước sinh hoạt; 416 công trình đường giao thông; 98 công trình mương thủy lợi; 19 công trình cầu; 8 công trình chợ xã; 6 công trình trạm y tế xã; 1 công trình trường học; 36 nhà văn hóa xóm, sân thể thao; 01 nhà văn hóa xã, 21 công trình điện sinh hoạt (Trong đó: 300 công trình chuyển tiếp; 245 công trình khởi công mới; 94 công trình chuẩn bị đầu tư). Hiện nay, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 64 công trình; đối với các công trình khởi công mới cơ bản đang hoàn thiện hồ sơ đầu tư theo quy định.
Kết quả thực hiện tại địa phương với nguồn vốn Trung ương đã giúp tổ chức nhiều hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Một số mô hình tiêu thụ sản phẩm đã được xây dựng và triển khai, các hoạt động kết nối tiêu thụ được tổ chức thông qua các phiên chợ văn hóa, hội chợ giao lưu, diễn đàn, lễ hội gắn thương mại với du lịch. Bên cạnh đó, công tác tập huấn nguồn nhân lực thương mại và truyền thông quảng bá sản phẩm cũng được đẩy mạnh.
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp các chợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, hội chợ, giao lưu văn hóa và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
T. Quý