leftcenterrightdel
 Agribank chi nhánh Thanh Hóa đưa Đề án thẻ vào cuộc sống một cách nhanh và hiệu quả nhất
Ngay từ khi triển khai, Đề án này đã mang một ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen, góp phần gia tăng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Và đến nay, khi chứng kiến sự vui mừng của bà con nông dân khi sử dụng chiếc thẻ thấu chi này phần nào cho thấy sự thành công bước đầu của Đề án.

Xin được nhấn mạnh rằng, hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam luôn khẳng định vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế. Chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, với tín dụng "Tam nông" luôn chiếm trên 70% trên tổng dư nợ, Agribank luôn ý thức trách nhiệm về sứ mệnh khi được đồng hành cùng "trụ đỡ" của nền kinh tế đất nước.

Việc triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, với sản phẩm cho vay thấu chi qua thẻ ATM với hạn mức 30 triệu đồng dành cho bà con nông dân không chỉ là sự thấu hiểu, sẻ chia mà hơn thế nữa đó chính là quyết tâm cùng ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị ngày càng có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển "Tam nông", đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước nhà tiếp tục có những bước đột phá phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới của Agribank.

leftcenterrightdel

Chị Đỗ Phương Hiền (Thanh Hóa) sử dụng thẻ thấu chi nông nghiệp của Agribank mua hàng tại siêu thị trên địa bàn. (Ảnh T.B) 

Đánh giá cao chủ trương phát hành thẻ thấu chi trên địa bàn nông nghiệp - nông thôn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Lặc Bùi Đăng Lượng khẳng định, mặc dù là huyện miền núi cửa ngõ phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, khoảng cách địa lý giữa các xã, huyện khá xa, nhưng bất kỳ chủ trương chính sách nào của Chính phủ, nhất là của ngành Ngân hàng, đều được Agribank chi nhánh Ngọc Lặc triển khai rất sớm, giúp bà con nông dân tại đây được tiếp cận rất kịp thời. Phát hành thẻ thấu chi cũng được Agribank chi nhánh Ngọc Lặc triển khai rất kịp thời giúp bà con tiếp cận được vốn rất nhanh. Đặc biệt, chủ động ngăn ngừa đối tượng cho vay lãi cao không có cơ hội tiếp cận bà con nông dân.

Đồng tình, ông Bùi Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo vay vốn ngân hàng xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân nhìn nhận, việc có được khoản tiền cấp sẵn qua thẻ thấu chi giúp người dân có thể sử dụng khi có nhu cầu đột xuất, không phải đi vay lãi ngày, giảm bớt được tình trạng tín dụng đen tại địa phương. Đây là một trong những sản phẩm phát triển tốt, góp phần ổn định được tình hình an ninh chính trị trật tự tại địa phương.
Ông Hùng bày tỏ mong muốn, Agribank nghiên cứu để mở rộng mô hình này. "Chúng tôi sẽ phối hợp tích cực tuyên truyền để bà con trên địa bàn thấy được sự thuận lợi khi sử dụng thẻ thấu chi. Khi giảm bớt được tệ nạn xã hội như tín dụng đen thì chắc chắn sẽ góp phần rất nhiều phát triển kinh tế địa phương. Bởi một địa phương muốn ổn định phát triển thì phải làm tốt công tác an ninh trật tự", ông Hùng chia sẻ thêm.

Đề án đẩy mạnh phát triển thẻ tại thị trường nông nghiệp-nông thôn được ông Nguyễn Thuần Phong - Phó giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Thanh Hóa ví như "một mũi tên nhiều đích".

Đề án giúp ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ ở khu vực nông thôn như tăng số lượng khách hàng mở tài khoản và sử dụng các sản phẩm dịch vụ, mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tại khu vực nông nghiệp - nông thôn.

Đây cũng là kênh gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn cho ngân hàng, đồng thời góp phần tăng nguồn thu dịch vụ theo yêu cầu tại chiến lược phát triển ngành Ngân hàng.

Mặt khác, việc cấp cho người dân một khoản vốn lên đến 30 triệu đồng giúp đáp ứng các nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, thanh toán các dịch vụ công, thanh toán chi phí sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… Thông qua đó, xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ; giúp lành mạnh hóa thị trường tín dụng vi mô, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp - nông thôn.

Đối với xã hội, thẻ thấu chi góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường nông nghiệp - nông thôn theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc NHNN. Đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 149 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến 30/6/2020, Agribank Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã phát hành 5.048 thẻ, đạt 74,2% kế hoạch Agribank giao. Trong đó đã cấp hạn mức thấu chi cho 4.032 thẻ, với tổng hạn mức thấu chi là 47 tỷ đồng; dư nợ thấu chi là 17 tỷ đồng. Phục vụ triển khai thí điểm đề án trên địa bàn 12 huyện có 29 máy ATM và 89 máy POS; bình quân mỗi huyện có 2 máy ATM và 7 máy POS.

Trong thời gian tới, Agribank Thanh Hóa nói riêng và hệ thống Agribank nói chung kỳ vọng, sẽ tiếp tục trang bị, mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ, đưa các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với bà con, đơn giản hóa các khoản chi tiêu, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại địa bàn nông nghiệp - nông thôn. 

Ông Phạm Ngọc Lai - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cho biết:

"Ngân hàng đã triển khai các giải pháp rất bài bản và đầy đủ để đưa Đề án thẻ vào cuộc sống người dân trên địa bàn một cách nhanh và hiệu quả nhất. Chi nhánh đã thành lập Ban chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, thí điểm tại tất cả 21 xã, thị trấn trên địa bàn. Đến thời điểm này, mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới kết thúc thí điểm nhưng chi nhánh đã thực hiện hơn 80% kế hoạch được giao khoảng 817 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng dư nợ thẻ thấu chi. Với tình hình triển khai thuận lợi như hiện tại, dự kiến chi nhánh sẽ về đích sớm trong tháng 7"

Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Agribank chi nhánh Ngọc Lặc, Thanh Hóa cũng cho biết:

"Chi nhánh đã thành lập riêng một Ban chỉ đạo về phát hành thẻ thấu chi. Trong đó Giám đốc là Trưởng ban. Ngoài tổ chức phổ biến, quán triệt cho cán bộ tại chi nhánh về chủ trương mục tiêu của đề án, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng cán bộ, chi nhánh còn chủ động làm việc với HĐND, UBND, các cấp hội tại địa phương, tổ chức tuyên truyền qua đài truyền thanh huyện, xã, qua các cấp hội và tại buổi giải ngân, thu nợ, giao ban tổ vay vốn, qua bảng tin của Agribank đặt tại các xã để khách hàng được biết và tham gia. Đến 30/6/2020, chi nhánh đã phát hành 493 thẻ nông nghiệp - nông thôn, cấp hạn mức thấu chi cho 465 thẻ (đạt 62% kế hoạch giao). Tổng hạn mức thấu chi được cấp là 4,3 tỷ đồng, dư nợ thẻ thấu chi nông nghiệp - nông thôn đạt 957 triệu đồng. Hiện nay chi nhánh đang quản lý 19 đơn vị chấp nhận thẻ với đa dạng các mặt hàng kinh doanh phục vụ nhu cầu của người dân như: hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, quần áo, đồ điện dân dụng, hàng điện tử điện lạnh, đồ gỗ..."


PV