Đây là nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng COVID-19 tại cuộc họp để bàn về công tác phòng, chống dịch, sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước diễn ra chiều nay (13/8).

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP 

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch tại TP HCM đã bước đầu có những dấu hiệu tích cực sau thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg và sẽ có xu hướng giảm trong một vài tuần tới, nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt như hiện nay.

Đối với các địa phương lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An có nguy cơ bùng phát rất cao; nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ thì tình hình dịch sẽ thực sự diễn biến phức tạp. Một số địa phương có số lượng lớn trường hợp đã đi về từ vùng dịch, có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của tầng điều trị thứ 2, thường đặt tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, để giảm nhẹ ca mắc, không để chuyển nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn.

Bộ trưởng cho rằng, có 3 yếu tố cực kỳ quan trọng mà tầng điều trị này phải chuẩn bị, đó là hệ thống ôxy tập trung để sử dụng máy thở dòng cao (HFNC), máy thở không xâm nhập; thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm cho bệnh nhân sử dụng sớm để giảm mức độ chuyển nặng.


Còn tại Hà Nội, các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ đã được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời, triệt để. Hà Nội cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn ở mức cao do nhiều ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây, xuất hiện rải rác tại nhiều địa điểm trên địa bàn và đã ghi nhận các ca mắc tại chợ, siêu thị, các cơ sở sản xuất...

Các thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, kinh nghiệm lớn nhất tại các địa phương cho thấy, trước hết phải bảo vệ vững chắc vùng an toàn (vùng xanh), đồng thời bao vây, thu hẹp vùng nguy cơ cao (vùng cam), rất cao (vùng đỏ)…

Bên cạnh đó, các địa phương thiết lập ngay hệ thống đường dây nóng, các đội y tế cộng đồng để tiếp nhận, giám sát, hỗ trợ y tế tại chỗ cho mọi người dân có triệu chứng mắc COVID-19 cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Gần đây, TP HCM đã phổ biến các đơn thuốc, phương pháp tự chăm sóc, theo dõi, bảo vệ sức khoẻ cho người dân tại các khu cách ly, phong tỏa…

leftcenterrightdel
Các thành viên Ban Chỉ đạo họp bàn về công tác phòng, chống dịch, sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại nhiều tỉnh, thành phố. Ảnh:VGP

Để người dân không ra khỏi nhà, trừ trường hợp thật cần thiết, kinh nghiệm cho thấy, cần có hệ thống phân phối hàng hóa, lương thực, thực phẩm bảo đảm thông suốt, trong đó, những người thực hiện giao hàng được xét nghiệm định kỳ, tiêm vắc xin, có dấu hiệu nhận diện, mã QR…

Đối với công tác xét nghiệm, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, từ thực tiễn TP HCM cho thấy, năng lực “rà đi, soát lại” nhiều lần trên diện rộng chưa đủ”; có tình trạng một số địa phương lạm dụng xét nghiệm nhanh, “ngại” xét nghiệm RT-PCR. Vì thế, công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm.

Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nếu cần xét nghiệm tầm soát cộng đồng ở những thời điểm nhất định, phải thực hiện lấy mẫu đại diện gia đình, xét nghiệm mẫu gộp; dành nguồn lực xét nghiệm để tăng tần suất đối với khu vực bệnh viện, các đối tượng nguy cơ cao (phải di chuyển ra khỏi nhà), người cao tuổi, có bệnh nền…

Về công tác điều trị, kinh nghiệm từ TP HCM và một số tỉnh phía Nam cho thấy, phải tách riêng khu tiếp nhận ban đầu đối với người mắc COVID-19 không có triệu chứng, chưa được coi là bệnh nhân, từ đó, có phương án chăm sóc phù hợp về thể chất và tinh thần, nhằm giảm tỉ lệ F0 chuyển sang có triệu chứng. Nhiều địa phương sử dụng các cơ sở có sân chơi, không gian thoáng để các F0 không triệu chứng có không gian vận động, cải thiện sức khoẻ.

Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho các tầng điều trị bên dưới để cấp cứu, xử trí kịp thời những trường hợp diễn biến nặng rất nhanh; bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, ôxy y tế, trang thiết bị theo quy định để bảo đảm số giường điều trị thực chất…

Cùng với đó, tăng cường hoạt động của các Tổ COVID cộng đồng, đặc biệt là ở các khu nhà trọ, để nắm cụ thể, chi tiết các thông tin có liên quan đến từng người, từng hộ, từng phòng trọ để giám sát kỹ những người di chuyển ra-vào khu vực, địa bàn hiện hữu, nhất là các đối tượng F0, F1 thuộc diện cách ly.

Minh Nhật