Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bạc Liêu, năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 8,36%, mức cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 42 triệu đồng. Khu vực Nông nghiệp chiếm 41,30%; công nghiệp - xây dựng 15,72% và dịch vụ chiếm 41,47% trong GRDP (năm đầu tiên tỷ trọng dịch vụ cao hơn tỷ trọng nông nghiệp).

Tỉnh đã xác định trụ cột phát triển kinh tế - xã hội gồm nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại Bạc Liêu có năng suất cao gấp 10-15 lần so với nuôi tôm công nghiệp bình thường.

Tại cuộc làm việc, tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ thúc đẩy phát triển dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu. Đây là dự  án rất quan trọng, giúp tỉnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng đột phá và bền vững, mang cơ hội to lớn cho tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu lớn nhất trong nhiệm kỳ của tỉnh là vươn lên vào tốp tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Theo tính toán sơ bộ, dự án sẽ mang lại khoảng 2,5-3 ngàn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách địa phương. Dự án có quy mô 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD do Công ty Delta Offshore Energy của Hoa Kỳ đầu tư.

Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ tỉnh trong việc tìm kiếm giải pháp công trình, phi công trình giảm sóng, gây bồi từ xa có hiệu quả để phát triển đai rừng phòng hộ, bảo vệ tuyến đê biển và các hạ tầng bên trong. Đồng thời có những đề tài nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng để có giải pháp phòng, chống thích hợp.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn đối với Bạc Liêu tại cuộc làm việc với tỉnh cách đây gần 1 năm là "xây dựng Bạc Liêu trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển phía Nam của đất nước”. Phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hệ sinh thái du lịch sống động, đa dạng sản phẩm, kết nối với các trung tâm du lịch lớn; tận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về năng lượng tái tạo, phát triển điện gió, điện mặt trời.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn nước; làm tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, chú trọng lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế.

Tỉnh cũng cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương, nhất là các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng nhìn nhận, năm vừa qua, tỉnh đã triển khai quyết liệt, nghiêm túc chủ trương của Trung ương, Chính phủ; đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng, thu ngân sách (thu 3.200 tỷ đồng). Mặt khác, tỉnh đã tìm mô hình phát triển, đặc biệt là mô hình nuôi tôm. Nuôi tôm siêu thâm canh hiện vẫn là hướng ra quan trọng của Bạc Liêu.

Thủ tướng đánh giá cao Bạc Liêu đã chủ động tìm các dự án đầu tư, trong đó có các dự án lớn như dự án điện khí LNG nêu trên.

Năm 2019, Thủ tướng đề nghị tỉnh có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ để làm sao kết quả năm 2019 phải cao hơn năm 2018. Do đó, Bạc Liêu cần phấn đấu những chỉ tiêu nào để thực hiện điều này.

Tỉnh cần tiếp tục tập trung chỉ đạo một số mũi nhọn, trụ cột mà Chính phủ, tỉnh đã xác định. Tăng cường quản lý xã hội, đẩy mạnh giáo dục, y tế, văn hóa, “chứ không chỉ lo phát triển kinh tế”.

Tỉnh cần chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bằng nhiều cách như tái cơ cấu nông nghiệp. Cần quan tâm triển khai tốt Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng cho biết, trong quý 1/2019, sẽ chỉ đạo tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 120 để xem “làm đến đâu, làm cái gì, sắp tới làm như thế nào, chứ không để “đánh trống bỏ dùi”.

Nhấn mạnh Bạc Liêu tiếp tục xác định nuôi tôm là một thế mạnh, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh cần thúc đẩy lĩnh vực này, lập Ban Chỉ đạo và giao ban thường xuyên để đánh giá kết quả thực hiện như thế nào để làm sao phấn đấu Bạc Liêu đạt giá trị xuất khẩu tôm là 1 tỷ USD trong thời gian sớm nhất. Tỉnh cần tiếp tục xúc tiến, kêu gọi, tìm dự án đầu tư mới.

Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ, nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu; nhất trí việc bổ sung dự án vào Sơ đồ quy hoạch điện 7. Tỉnh cần làm việc với nhà đầu tư để có cam kết chắc chắn, nhất là đối với các vấn đề như năng lực tài chính, thời gian, tiến độ./.

Theo chinhphu.vn