Cũng như năm 2018, Thừa Thiên - Huế là tỉnh đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc làm việc trong năm mới.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần có kế hoạch cụ thể chăm lo Tết cho mọi người dân nhằm đảm bảo tuyệt đối không để các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xảy ra thiếu đói trong những ngày Tết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương những kết quả nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã đạt được trong năm 2018.

Thủ tướng lưu ý, Thừa Thiên - Huế cần chú trọng phát triển đô thị Huế xanh, bảo tồn di sản; phát triển dịch vụ du lịch; công nghiệp cơ khí, nghiên cứu chuyển đổi nội bộ ngành nông nghiệp tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp tục thực hiện chính quyền điện tử; trong đó chú trọng thực hiện đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh, đây là nền tảng quan trọng để đẩy mạnh cải cách hành chính. Cùng với đó là đẩy mạnh đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân từ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đến trật tự an toàn giao thông, từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là khách du lịch không lo bị trộm cắp, trấn lột, chặt chém.

Đối với các kiến nghị của địa phương, Thủ tướng cho ý kiến tiếp tục hỗ trợ Thừa Thiên - Huế thực hiện đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Di tích Kinh thành Huế, chuẩn bị phương án, kế hoạch cụ thể để sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 triển khai di dời và bố trí tái định cư cho 600 hộ dân. 

Đối với công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trên tinh thần an toàn, vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm, Thủ tướng đề nghị tỉnh phải chăm lo Tết cho toàn xã hội, trước hết là cho người nghèo, vùng thiên tai, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách. Các hoạt động hỗ trợ, chính sách của Đảng và Nhà nước cho các đối tượng chính sách phải đến với người dân trước ngày 20 Tết.

Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, tỉnh phải chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi thông qua việc tổ chức các hoạt động vui chơi, lễ hội; đồng thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi thiếu văn hóa tại lễ hội.

Thủ tướng cũng yêu địa phương chuẩn bị dự trữ, bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá dịp Tết Nguyên đán; tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cháy nổ dịp Tết.

Các ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Hệ thống các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước cũng phải thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Thủ tướng yêu cầu, ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

 

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 42 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2018, tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Tỉnh thực hiện 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tổng thu ngân sách hơn 7.740 tỷ đồng, thu nội địa đạt 6.708 tỷ đồng.

Tỉnh có trên 650 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 5.000 tỷ đồng; thu hút 34 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó có 27 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,92 %; tỷ lệ tham gia bảo hiểm toàn dân đạt 98%; giải quyết việc làm mới trên 16.500 lao động; đưa 900 lao động đi làm việc tại nước ngoài. 

Về thực hiện Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tỉnh sẽ chuyển 33.445 suất quà của Chủ tịch nước đến các đối tượng chính sách; hỗ trợ hơn 4.000 suất quà cho các đối tượng chính sách, có công cách mạng, bị nhiễm chất độc da cam; hỗ trợ cho gần 57 nghìn người thuộc các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng (200.000 đồng/người) và hỗ trợ quà Tết cho trên 15.150 hộ nghèo đón Tết với mức 200.000 đồng/hộ; đồng thời sẽ đi thăm, tặng quà Tết cho các gia đình chính sách, có công và hộ nghèo tiêu biểu; chuẩn bị hàng hóa Tết đảm bảo cung ứng kịp thời và đầy bảo cho nhân dân với tổng giá trị dự trữ khoảng 1.300 tỷ đồng. 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đồng ý chủ trương cho tỉnh thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 và quan tâm hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch tỉnh.

Về đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm bố trí một phần kinh phí hằng năm để địa phương có điều kiện thực hiện đề án.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng quan tâm, ưu tiên nguồn ngân ngân sách Trung ương, các nguồn vốn ODA, nguồn trái phiếu và các nguồn khác để bố trí kinh phí đầu tư đầu tư xây dựng cầu vượt qua sông Hương.

Theo Báo Tin tức