|
|
Thủ tướng cho rằng, 1 container thông quan nếu cần “bôi trơn” 1 triệu đồng thì 1 năm mất hàng chục nghìn tỷ đồng |
Đây là một ví dụ được Thủ tướng dẫn chứng cho việc chính sách tài chính đang kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp như một số ý kiến đại biểu thảo luận trong tổng kết 10 năm Nghị quyết Trung ương về tam nông vừa qua tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2019 của Bộ Tài chính.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đưa ra vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua: “Các đồng chí thử tính toán 1 container thông quan nếu cần “bôi trơn” 1 triệu đồng thì 1 năm mất hàng chục nghìn tỷ đồng. Chính những chi phí không chính thức này sẽ ‘giết chết’ doanh nghiệp. Tại sao doanh nghiệp Việt Nam mãi không lớn được, lý do cũng một phần do điều đó tạo ra cùng các khoản không chính thức khác.
Ngoài ra, Thủ tướng nêu rõ công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của một số mặt chuyển biến còn chậm, thiếu đồng bộ. Các chính sách không ổn định, hay sửa đổi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng cho biết, ông có hỏi một số hộ cá thể tại sao không chuyển thành doanh nghiệp thì nhận được câu trả lời: “Sổ sách, kế toán, nộp thuế phức tạp quá. Cùng với đó, tôi phải đóng bảo hiểm. Ở đây, tôi cứ khai kinh tế hộ đơn giản, nếu quen biết thì nộp ít thôi”.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cần cụ thể hóa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng chính sách tài chính và chế độ kế toán đơn giản để khuyến khích, thúc đẩy loại hình doanh nghiệp này phát triển ngay trong năm 2019, “không thể để một lực lượng doanh nghiệp với tiềm năng phát triển to lớn lại không muốn lớn nhanh như thời gian qua”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu, chung chi, lợi ích nhóm đâu đó vẫn còn, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. “Phải nói thẳng ở đây để cán bộ các cục thuế, hải quan, các chi cục liên quan biết là Thủ tướng, Bộ trưởng, Tổng cục trưởng đều biết vụ việc này để chấn chỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh. Còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", “tham nhũng vặt”, chi phí không chính thức.
Đáng nói là chất lượng thanh tra, kiểm tra của ngành tài chính còn khiêm tốn so với Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, trong khi đó số lượng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra hằng năm của ngành tài chính lại rất lớn nhưng kết quả rất thấp. “Tại sao như thế, do trình độ, do cách làm hay do “cưa ba, cưa tư” như dư luận, báo chí đã phản ánh hay do doanh nghiệp đã chấp hành tốt quy định của pháp luật?” - Thủ tướng đặt câu hỏi và đề nghị Bộ Tài chính có giải pháp tổng thể đối với vấn đề này. Phải ứng dụng công nghệ vào thanh tra, kiểm tra. Bộ Tài chính cần có bộ lọc, đưa ra hệ thống tiêu chí đo lường doanh nghiệp chấp hành pháp luật tốt và không tốt để ứng xử công bằng, công khai, minh bạch, không làm khó doanh nghiệp.
Bên cạnh những bất cập, Thủ tướng cũng đánh giá cao việc năm 2018, tổng thu ngân sách Nhà nước đã vượt dự toán 7,8%, đạt 1,42 triệu tỷ đồng, cao hơn mức đã báo của Quốc hội. Con số này thể hiện sự nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao độ của toàn ngành. Tính đến cuối năm 2018, cơ quan thuế đã thu hồi được khoảng 32.000 tỷ đồng nợ thuế; cơ quan hải quan đã thu hồi và xử lý nợ thuế trên 1.420 tỷ đồng.
Hơn nữa, chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, chủ động hơn. Bội chi ngân sách khoảng 3,67% GDP. Các chỉ tiêu nợ công được cải thiện (ước tính đến 31/12/2018, dư nợ công dưới 61% GDP)…
Với những đánh giá đó, Thủ tướng cho rằng, Bộ Tài chính phải đi đầu trong thực hiện phương châm hành động của Chính phủ với nỗ lực cao nhất, quyết tâm lớn nhất, để có sự chuyển biến thực sự.
Cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế, làm tốt hơn nữa công tác quản lý thu. Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng pháp luật.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, vốn đầu tư công, ODA, không để thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Phải xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị thuộc diện cổ phần hóa được duyệt nhưng không triển khai.