Ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 7, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết tại Hội trường.

Theo Nghị quyết, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” do ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn giám sát. Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn thường trực. Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn giám sát thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan.

Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2020; báo cáo kết quả giám sát để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giúp Đoàn giám sát về những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát. Văn phòng Quốc hội giúp Đoàn giám sát về xây dựng chương trình, kế hoạch, công tác bảo đảm, tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát. Theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ điều kiện cụ thể tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề nói trên; gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, về thành phần đoàn giám sát, một số ý kiến đề nghị cân nhắc số lượng Ủy viên là đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và bổ sung đại diện Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, do đó, số lượng tham dự của Thường trực 2 Ủy ban trên cần nhiều hơn.

Ngoài ra, Điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định về thành phần Đoàn giám sát: “…, các thành viên khác gồm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương nơi Đoàn đến giám sát và một số đại biểu Quốc hội”. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân) là đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát; đồng thời, giảm số lượng đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, theo quy định tại Điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì các cơ quan nêu trên không thuộc thành phần mời tham gia đoàn giám sát; ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy số lượng tham dự thành phần mời tham gia đoàn giám sát Quốc hội không quá 7 người là phù hợp; trong quá trình triển khai các hoạt động của Đoàn, Trưởng Đoàn giám sát có thể mời một số cơ quan liên quan tham gia. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo./.

Xuân Hưng