leftcenterrightdel
 

Chất vấn những vấn đề bức xúc trong cuộc sống

Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã quyết định chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn thuộc các lĩnh vực: an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông vận tải và văn hóa, thể thao và du lịch. Những vấn đề Quốc hội lựa chọn xuất phát từ những vấn đề bức xúc trong cuộc sống để hướng tới những giải pháp thiết thực hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.

Bộ trưởng các Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan sẽ tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý. Cuối phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội có liên quan đến vấn đề chất vấn tại kỳ họp. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiếp tục áp dụng những cải tiến tại các kỳ họp trước. Các Bộ trưởng không trình bày báo cáo mà chỉ phát biểu không quá 5 phút trước khi các đại biểu Quốc hội chất vấn.

Mỗi lần chất vấn có 5 đại biểu, mỗi đại biểu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để trả lời mỗi chất vấn của đại biểu. “Do vậy đại biểu Quốc hội cần chất vấn ngắn gọn, rõ ý, tập trung phân tích đánh giá chính sách, trách nhiệm, hạn chế đi sâu vào vụ việc cụ thể. Các đại biểu Quốc hội có thể tranh luận lại nếu thấy không thỏa đáng nhưng thời gian tranh luận không quá 2 phút. Tranh luận chỉ diễn ra giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn. Các đại biểu không chất vấn thì không tranh luận với người đặt câu hỏi”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý. 

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Hoạt động này góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, tác động đến công tác điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần tích cực trong hoạt động điều hành và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với sự chủ động, tích cực của các đại biểu Quốc hội cũng như của các Bộ trưởng và sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này sẽ đạt được kết quả như cử tri mong đợi. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết làm cơ sở để các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân tiếp tục giám sát việc thực hiện. 

49 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an

Đầu giờ sáng có 49 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Mở đầu phiên chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp); Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận); Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận); Trương Thị Yến Linh (Cà Mau); Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng);... chất vấn Bộ trưởng về trách nhiệm của cán bộ cơ sở đối với các vụ án mạng nghiêm trọng ở địa phương và giải pháp của Bộ; giải pháp triệt phá các băng nhóm tín dụng đen; trách nhiệm, giải pháp triệt phá các đường dây ma túy; giải pháp bảo đảm an toàn giao thông...

Cùng với đó, nhiều đại biểu chất vấn người đứng đầu ngành Công an về: Các giải pháp xử lý nghiêm các hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng; về tính khách trong việc điều tra xử lý các vụ gian lận điểm thi tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang...

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về công tác phòng chống ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định đây là công tác được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm, thời gian qua đã triệt phá nhiều vụ ma túy lớn... Trong đó, năm 2018, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ ma túy tăng 10,53% về số vụ, 10,59% số đối tượng; lượng heroin thu giữ tăng 102,52%, ma túy tổng hợp thu được tăng 125,14% so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã phát hiện 10.246 vụ, 11.731 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 301,31kg heroin, 3.272,20 kg và 437.334 viên ma túy tổng hợp, 259,61kg cần sa. Mặc dù số vụ bắt giữ giảm so với cùng kỳ 2018, nhưng lượng ma túy tổng hợp thu được tăng kỷ lục, đây là số lượng ma túy thu được lớn nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, đã liên tiếp phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn, điển hình như: Vụ bắt giữ 278kg ma túy tổng hợp ngày 17-2 tại Hà Tĩnh; 3 vụ bắt giữ 300kg ma túy tổng hợp, 895 bánh heroin, 1.030kg ma túy tổng hợp vào các ngày 20-3, 27-3 và 12-4 tại TP. Hồ Chí Minh; các vụ bắt giữ 600kg ma túy tổng hợp, 100 bánh heroin và 700kg ma túy tổng hợp vào các ngày 15-4, 17-4 tại Nghệ An; vụ bắt giữ hơn 500kg ketamin ngày 11-5 tại TP. Hồ Chí Minh; vụ bắt giữ 119kg cocain tại Tiền Giang... Phối hợp các ngành phát hiện, xử lý nhiều tụ điểm sử dụng trái phép các chất ma túy trong các quán bar, vũ trường, karaoke.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, lực lượng công an đã dự báo được tình hình và có giải pháp trấn áp quyết liệt để ngăn chặn nguồn ma túy đi vào nước ta. Không để Việt Nam trở thành nơi trung chuyển ma túy quốc tế. Tội phạm ma túy là vấn đề có tính chất quốc tế, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước để đấu tranh với loại tội phạm này. Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung ngăn chặn nguồn cung, đồng thời thực hiện các giải pháp giảm cầu trong nước; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng để trấn áp tội phạm ma túy...

Cùng với đó, tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp tội phạm tín dụng đen; tham mưu cho Chính phủ và cấp có thẩm quyền kiện toàn chính sách, pháp luật về xử lý tội phạm tín dụng đen; phối hợp với ngân hàng đa dạng hóa các hình thức cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn lành mạnh, không có đất cho tín dụng đen hoạt động...

Lãnh đạo Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Nhóm vấn đề thứ hai về lĩnh vực xây dựng tập trung vào: Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel); về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô các thành phố lớn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chịu trách nhiệm trả lời chính.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Nhóm vấn đề thứ ba về lĩnh vực giao thông - vận tải, tập trung vào: Xử lý những vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc; trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể chịu trách nhiệm trả lời chính.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Y tế cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ tư về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, tập trung vào: Quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan; việc đầu tư, xây dựng và quản lý các công trình tâm linh; quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh; công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Công an.

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ sẽ ủy quyền cho một Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời, giải trình thêm các vấn đề do đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến điều hành chung của Chính phủ. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, tính đến ngày 23/5 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 190 vấn đề từ đề xuất của 48 Đoàn đại biểu Quốc hội; 28 vấn đề từ 16 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội và 96 vấn đề nổi lên qua ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, từ Báo cáo của Ban Dân nguyện.

Trên cơ sở này, Đoàn Thư ký Kỳ họp và Văn phòng Quốc hội đã tổng hợp 10 nhóm vấn đề được đề xuất nhiều nhất để xin ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan; tiếp đó, “gút” lại còn 5 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến Đại biểu Quốc hội. Bốn nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn lần này đã được chọn trên cơ sở phiếu ý kiến của Đại biểu Quốc hội theo tỷ lệ từ cao xuống thấp. Nhóm vấn đề không được Đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn là về lĩnh vực thanh tra.

Nhóm PV