leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh:VGP 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với chủ đề  “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”  hôm nay (6/12). Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Trong gần 2 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển trạng thái, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Vừa qua, khi đạt được độ bao phủ nhất định về vắc xin và nâng cao năng lực y tế, đồng thời đúc rút, tổng kết được các kinh nghiệm, lý thuyết, công thức phòng chống dịch, xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống, Việt Nam đã chuyển hướng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Sau 2 tháng triển khai chủ trương chuyển hướng nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất nhập khẩu tăng cao, xuất siêu trở lại, thu hút FDI tăng. Chuỗi cung ứng, sản xuất, chuỗi lao động dần được nối lại. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân dần ổn định trở lại.

Thủ tướng nhấn mạnh, điều này cho thấy, khó khăn hiện tại chỉ mang tính nhất thời; nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và vững chắc; niềm tin của người dân và doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bạn bè quốc tế tiếp tục được giữ vững, tăng cường và củng cố. Cùng với đó, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ.

“Việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.”- Thủ tướng nói.

leftcenterrightdel
Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh:VGP 

Chia sẻ về những định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ, là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.

Dịch bệnh đã làm bộc lộ cả mặt yếu và mặt mạnh của hệ thống y tế Việt Nam. Thủ tướng nêu một số định hướng lớn trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất; có kế hoạch bảo đảm vắc xin và thuốc điều trị. Việt Nam đặt mục tiêu chậm nhất trong tháng 12 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 2 cho người trên 18 tuổi, tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho người từ 12 tuổi, đồng thời, nghiên cứu, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết một số trụ cột như: tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó, có hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát huy tối đa nguồn lực con người  là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển…

Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng như: Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ với các công cụ về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách nhà nước, lãi suất, tỷ giá, tín dụng, chi phí đầu vào... Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là giảm thiểu, khắc phục và phòng ngừa rủi ro để người lao động, người dân có công việc, thu nhập và cuộc sống ổn định.

Về hoàn thiện thể chế, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông… “Việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa, dù khó mấy cũng phải làm và không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Không có điện và sóng thì không có chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, công dân số…”, Thủ tướng nêu ví dụ.

 

Minh Nhật