“Bạo lực” học đường giữa trò với trò, thầy với trò, dường như là thứ gì đó tương đối xa lạ lẫn hiếm hoi, hoặc giả vài hình phạt từ nhẹ cho tới nghiêm khắc của thầy cô giáo luôn được quan niệm như một phần của dạy dỗ, suy đoán có lỗi luôn thuộc về học trò. Cảm giác xấu hổ, tổn thương cũng là có đấy chứ, đâu đó để biết sửa chữa và cố gắng. Dường như khi xã hội có một điểm chung, con người ta lặng lẽ biết cảm thông, đồng cảm, chia sẻ và mối quan hệ thầy trò cũng mang một sắc thái đầy đặn ấm cúng.
Đã có một khoảng thời gian vài năm, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những đoạn clip ngắn ghi lại những màn bạo lực khoác áo trắng học trò. Rất đau lòng bởi tính chất dã man cũng như quá khích từ cả đám đông.
Nhiều nhà xã hội học lẫn cả nhà trường vào cuộc để cố giải thích về hiện tượng này nhưng dường như chưa bao giờ có câu trả lời thỏa đáng để cho phương pháp ngăn chặn, thật đáng buồn nó vẫn tiếp tục tiếp diễn.
Có thể tâm lý học trò ngày nay đã khác, có một hố sâu khoảng cách quá rộng trong thấu hiểu tâm lý học trò từ cha mẹ lẫn cả thầy cô giáo. Các quan niệm về giá trị của tuổi học trò hiện cũng đã nhiều đổi thay trong bối cảnh văn hóa xã hội, một trang mới hoàn toàn xa lạ với đại đa số thế hệ cũ.
Đó có thể là nhạc Hàn Quốc, tiểu thuyết ngôn tình Trung Hoa, thời trang cosplay, thần tượng những cô cậu diễn viên ca sĩ nào đó tít phương trời xa mà người lớn, những người có trách nhiệm nặng nề dạy dỗ truyền dạy, giáo dục các em mới chỉ nghe thấy tên đã bàng hoàng như thể đó là những vì sao xa lạ không nằm trong hệ mặt trời...
Sự thấu hiểu tâm sinh lý đám trẻ dường như càng thêm phức tạp gấp ngàn lần so với những bài giảng nằm sẵn trong giáo án. Đó có thể là một điểm để xã hội, gia đình, nhà trường cần chung tay giúp sức cho thầy cô giáo trau dồi thêm kỹ năng mềm để có phương hướng giáo dục phù hợp.
Nhưng tuần vừa qua, vài câu chuyện buồn trong ngành giáo dục lại tiếp tục nổi lên. Một cô giáo trẻ phạt học trò lớp 3 bằng cách bắt uống (súc miệng) nước giặt giẻ lau bảng. Hành vi này hoàn toàn đáng lên án, không có gì để biện minh. Có thể nói cách “dạy dỗ” này là một hình thức tra tấn, làm nhục trẻ nhỏ tới ngưỡng khó thể chấp nhận. Điều người viết bài cảm thấy gợn và suy nghĩ tiếp theo chính là hành vi cô giáo còn gây sang chấn tâm lý đối với những đứa trẻ cùng lớp đã phải chứng kiến điều đó.
Một cô giáo khác lại dùng phương pháp giảng dạy hoàn toàn khó hiểu bằng cách im lặng 3 tháng đối với đám học trò cấp 3 của mình. Có lẽ ở góc độ nào đó, đây cũng nên được coi là hành vi “tra tấn” tinh thần học trò.
Nếu thường xuyên theo dõi những câu chuyện buồn đang xảy ra dưới các mái trường thì thật khó có thể hình dung được không ít các mối quan hệ thầy trò ngày nay như thói vô phép, hỗn hào, bạo lực, “cài bẫy” của học trò với thầy cô giáo lại là sự thật. Điều mà trước đây dù học trò còn nghèo khó, sinh trưởng dưới những mái nhà lụp xụp trong xóm chợ, nhịn đói đến lệch người tới trường mỗi buổi sáng thì dù có cho ăn “gan giời” cũng không dám làm. Nhưng quả thực ở cái thời xưa cũ ấy, mọi hành động bất nhã hình không có cơ hội nhen nhóm xuất hiện hay do công nghệ quá lạc hậu để được lan truyền?
Khi các cô cậu học trò tân thời biết được sức mạnh của truyền thông xã hội, mỗi anh chị trên tay lăm lăm “vũ khí” là những chiếc điện thoại di động rình rập, cào bằng khoảng cách, ứng xử giữa thầy và trò thì đó quả là không còn gì để nói.
Sức mạnh lan tỏa thói vô đạo đức thời đại Internet quá dễ dàng, nhao nhao “trẻ trâu” cổ súy, vô hình trung tạo ra một góc nhỏ xấu xí không câu chữ nào miêu tả nổi. Đau xót lắm chứ. Đáng tiếc hơn, những vết dơ học đường đó nhếch nhác tràn lan trên mạng, trên không ít trang thông tin, tờ báo điện tử vô hình trung tạo thành một thói quen nhàm chán đến vô cảm với thứ văn hóa vô lễ đó.
Để kết bài, tôi xin phép kể lại một trường hợp trong gia đình tôi có cháu trai học lớp 4. Cháu mang tới trường chiếc máy chơi điện tử nhỏ và không rõ tình huống như thế nào thì bị thầy giáo nhìn thấy, thay vì nhắc nhở thầy “tịch thu” chiếc máy. Cháu bé chấp nhận hình phạt đó theo phản xạ cảm giác có lỗi. Sau một thời gian khi chính con trai thầy đến trường với bố và trên tay cầm chiếc máy chơi games, cháu trai quyết định về nói với gia đình bởi sụp đổ niềm tin vào thầy giáo và nhất quyết không muốn tới ngôi trường có “Thầy giáo nói dối”.
Sau một vài ngày thuyết phục, tôi bắt buộc phải đối thoại với thầy để tìm ra phương án phù hợp giải tỏa tâm lý cho cả thầy lẫn trò dù biết để không ai bị tổn thương là việc rất khó. Mọi chuyện ổn và giữ kín cho nhau, tôi cho rằng đó là một cách can thiệp phù hợp thay vì làm ầm ĩ trên truyền thông hay mạng xã hội.
Chúng ta hoàn toàn nên coi những câu chuyện buồn trong giáo dục này chỉ là hạt sạn, và cần thiết cùng nhau lên tiếng, đối thoại, tìm phương án, hỗ trợ giữa hai mái nhà xây dựng nên nhân cách con trẻ, đó là gia đình và nhà trường. Mọi hành vi làm tổn thương tâm lý học trò đều đáng lên án nhưng cũng không vì thế mà báng bổ hình ảnh người thầy.
Minh Trí (CAND)