và gần đây nhất, thầy giáo bị chính lớp trưởng mà thầy chủ nhiệm đâm ngay sau giờ tan học…
Và điều đáng nói những diễn biến sau đó, học sinh dũng cảm lên tiếng sẽ chuyển trường ngay đầu tuần này, gia đình bé 8 tuổi uống nước giẻ lau bảng cũng đang có ý định xin chuyển trường, bởi các em không thể chịu đựng hơn nữa những áp lực và sự kì thị khi cực chẳng đã phải lên tiếng phản ánh về thầy cô mình… Một môi trường giáo dục mà sự thật, lòng dũng cảm, sự trung thực… không có đất sống thì sẽ đi về đâu?
|
|
Trường tiểu học An Đồng, nơi xảy ra sự việc giáo viên phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng - Ảnh: Tuoitre |
Khi cái đúng, thành… sai?
Đầu tháng 3 là trường hợp giáo viên ở Long An bị phụ huynh ép quỳ vì cô này phạt học sinh quỳ gối, khiến các em sợ phải nghỉ học. Tiếp đó, thầy giáo tại Trường THCS Tân Thành, Nghệ An, bị anh trai của học sinh đánh dập mũi để “trả thù”. Cũng ở Nghệ An, giáo viên thực tập tại trường Mầm non Việt - Lào bị phụ huynh đánh, bắt quỳ, dù đang mang thai.
Cuối tháng 3, một nữ sinh Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP HCM) vừa khóc vừa kể về giáo viên dạy Toán suốt một học kỳ lên lớp không hề nói gì, không giảng bài, chỉ im lặng khiến học trò sợ hãi.
Sáng 5/4, một học sinh ở Quảng Bình, sau khi bị giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở vì hình xăm trên người, đã thủ sẵn dao bấm đâm thầy giáo trọng thương.
Thông tin mới nhất về vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, Trường Tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng là việc ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên này. Thầy giáo ở Quảng Bình bị học sinh đâm vào bụng đã qua cơn nguy kịch…
Về sự việc của em Song Toàn, cô bé 17 tuổi sẽ chuyển trường ngay trong tuần này bởi em đang bị lên án, đổ lỗi cho sự “trung thực” của mình như một sự giải cứu, dù đây là một động thái tích cực của chính quyền, vì một mục đích mang màu sắc nhân văn... Để bảo vệ em, người ta đã phải lo liệu cho một cuộc “tháo chạy’ thay cho việc phải làm gì đó để em được học tập tại chính ngôi trường mà em đã dũng cảm phản ánh một sự việc bất thường.
Thế nhưng, nhiều quan điểm cho rằng, đằng sau động thái nhanh gọn, quyết liệt và nhân văn thực chất là một sự thừa nhận thất bại của cái đúng. Và đó là một minh chứng, một câu chuyện nữa cho thấy điều có lý đang thuộc về đám đông.
Một đám đông cho phép mình kì thị, gây áp lực. Trong đó, nhiều người còn không ý thức được vì sao mình kì thị, mình ném đá. Họ tự cho rằng mình là người bị hại và phải tìm một nơi đổ lỗi lý tưởng chính là cô bé đã dũng cảm đứng lên nói ra sự thật? Và khi cái sai chịu sự chi phối của tâm lý đám đông sẽ trở thành cái đúng. Khi mà ngay tại ngôi trường ấy, em Song Toàn đang bị chính bạn bè chỉ trích nặng nề bởi làm ảnh hưởng tới thành tích của trường, ảnh hưởng tới thầy cô, đáng lẽ chỉ “đóng cửa bảo nhau” thì đâu đến nỗi…
Tương tự như vậy, khi cô giáo vắt giẻ lau bảng cho một đứa trẻ 8 tuổi uống với lý giải để “cháu ngoan hơn”. Và nhiều giáo viên đã đồng loạt phát biểu rằng bình thường cô ấy hiền lành, tử tế. Để chứng minh cho điều đó, người ta đã tả việc học sinh khóc vì nhớ cô giáo “giẻ lau”. Lại là áp lực của số đông.
Trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ bày tỏ: “Dù chọn hướng giải quyết nào, thì vấn đề vẫn nằm ở chỗ: học sinh không đáng bị dạy bởi một cô giáo không nói. Học sinh không phải hứng chịu hình ảnh một người thầy “ngậm miệng” khi mà nền giáo dục bao năm qua “ngậm miệng” đã quá đủ và đã để lại quá nhiều hệ luỵ từ sự ngậm miệng ấy.
Suy cho cùng, đó là sản phẩm của giáo dục, từ giáo dục gia đình đến giáo dục nhà trường. Lệch lạc trong nhận thức, suy đồi trong ngôn ngữ, thì lỗi chắc chắn là ở giáo dục và văn hoá giáo dục chứ chẳng là gì khác. Khi một người thầy cho mình cái quyền được “ngậm miệng” như cô giáo dạy Toán, được quyền nói tục như thầy dạy văn ở Phú Nhuận và được quyền bắt học sinh uống nước lau bảng, thì hỏi sao không có không ít học trò lệch lạc về nhận thức, ngôn ngữ và văn hoá. Cộng với những phụ huynh cư xử kiểu ăn miếng trả miếng, chưa dạy văn hoá ứng xử cho con cái đã dạy thói hơn thua, sẽ hình thành nên những bầy cừu, bầy sói trong cái sự nghiệp giáo dục “ngậm miệng” ấy”.
Đánh thức trái tim thầy và trò
Nhiều thầy cô cho rằng, trước khi vào nghề, thầy cô cần được học và có lời thề về đạo đức người thầy. Nhưng sẽ không có lời thề nào lớn hơn đã theo nghề giáo phải có lòng yêu thương trẻ, và khát khao dạy những đứa trẻ làm người với tất cả sự thiên lương và nhân văn.
Trở lại sự việc cô giáo bắt phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng, nhà văn Sương Nguyệt Minh bày tỏ: Ai đã từng đi học đều biết cái giẻ lau bảng là thứ kinh khủng như thế nào. Nó vừa bẩn, vừa hôi. Ở các vùng nông thôn, đôi khi nó còn là mảnh quần, mảnh áo được xé ra từ món đồ cũ của ai đó vứt đi. Nó rất bẩn khiến lũ trẻ phải trực nhật cũng luôn đùn đẩy nhau đi “giặt giẻ”. Có lẽ vì thế, ai cũng cảm thấy bức xúc, phẫn nộ trước thông tin cô giáo nỡ bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng.
Những sự việc ấy là sự tiếp nối khi chỉ cần 9 điểm là học sinh có thể được học trong một trường sư phạm để rồi 3 năm sau trở thành thầy cô giáo. Rồi những thầy cô giáo chỉ đạt 3 điểm/môn ấy sẽ có gì để dạy cho học sinh? Khi không thể “dạy” và cũng không biết “dỗ” thì những hình phạt như quỳ, bắt uống nước giặt giẻ lau… lại trở thành cách để các thầy cô khỏa lấp đi sự thiếu hụt kiến thức giáo dục khủng khiếp của mình.
Ở góc độ đặt mình vào những giáo viên mắc sai lầm vừa qua, TS. Toán Chu Cẩm Thơ đã có những lý giải cho rằng, một cô giáo bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Cô ấy coi đó là biện pháp để phạt vì học sinh nói chuyện riêng, ảnh hưởng đến các bạn. Cô giáo ấy trẻ, đây là năm học đầu tiên của cô ấy. Cô ấy học văn bằng 2, có thể cô ấy có đủ kiến thức về chuyên môn, nhưng có thể cô ấy thiếu nhiều quá. Cô ấy thiếu kinh nghiệm xử lí tình huống sư phạm. Cô ấy thiếu kiên nhẫn với trẻ em. Cô ấy thiếu những năm tháng giúp cô ấy được đào tạo bài bản, những khát khao dạy người.
Một giáo viên không nói, không giảng bài cho học sinh nghe. Cô ấy nói, vì sợ bị ghi âm (như lời dọa của một học sinh cũ). Cô ấy có thể không thiếu tuổi đời. Nhưng cô ấy thiếu sự tự tin: mình dạy cho học sinh những điều tốt vì sao phải sợ một lời đe dọa; cô ấy thiếu những giúp đỡ chân tình từ đồng nghiệp, cô ấy bị thiếu những giám sát, cảnh tỉnh kịp thời từ sếp, từ nhà trường. Cô ấy thiếu sự dũng cảm, thiếu niềm tin, thiếu cảm xúc yêu thương được nói, được giảng cho những học sinh khác.
Một giáo viên đã quỳ khi bắt phạt một học sinh quỳ. Cô ấy thiếu hiểu biết về hình phạt quỳ. Cô ấy thiếu sự tôn trọng học trò. Cô ấy thiếu cả sự bảo vệ bản thân, trước mình, trước người khác. Một giáo viên bị học sinh đâm trọng thương bằng 7 nhát dao. Học sinh đâm thầy học lớp 12, là lớp trưởng mà thầy chủ nhiệm. Thầy giáo ấy đã thiếu hiểu biết về tâm lí học trò, về cách phê bình, cách nhận xét. Thầy ấy thiếu “cute” khi cho rằng “hình xăm” là cái gì đó cần lên án. Thầy ấy thiếu một học trò ngoan, hay thiếu một người bạn. Chàng trai tuổi 17-18 đã thực sự là bạn của thầy, chứ không chỉ là một đứa học trò, chỉ biết cúi đầu nghe mắng mỏ.
Đồng thời, TS. Chu Cẩm Thơ cũng bày tỏ: “Là một người làm nghiên cứu giáo dục, nhất là những gì tôi đã trải qua, kinh nghiệm với việc tiếp xúc, làm việc với hàng ngàn giáo viên, việc huấn luyện trực tiếp những giáo viên ở nhiều miền của Tổ quốc, tôi mới thấy những thứ mà giáo viên thiếu, và yếu, mà rất lâu không được khắc phục. Đó là những kĩ năng mềm về giao tiếp với học sinh, với cha mẹ, với cộng đồng, kĩ năng quản lí và phát triển bản thân. Họ cứ nghĩ có được một công việc ổn định là được, họ đang “liều” mà không biết.
Khi họ nhận một công việc, mà họ không am hiểu, không yêu, thì họ đã bắt đầu đặt mình vào tình trạng “nguy hiểm rồi”. Khi họ đã ra trường, không ít người đã lâu không được bồi dưỡng về ứng xử giữa gia đình, học sinh… Trong chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, chúng tôi gặp nhiều trường hợp giáo viên đã thất bại, đã không hạnh phúc với nghề nghiệp chỉ vì họ chỉ cố để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, và nhận lại áp lực nghề nghiệp, trong khi cánh cửa để đánh thức việc học tập của tụi nhỏ chính là “trái tim”, sự gần gũi với đứa trẻ…”.
Và có một thực tế không thể phủ nhận, căn bệnh thành tích ăn sâu thâm căn cố đế vào ngành giáo dục. Trở thành một thứ rào cản khủng khiếp để giáo viên có thể “thật lòng” với chính mình. Thầy cô bị bủa vây bởi những chỉ tiêu, những thành tích của nhà trường, và mỗi nhà trường là một lãnh địa riêng đầy quyền uy và áp đặt. Do đó, sự thay đổi lớn nhất chính từ thầy cô và các nhà trường. Không có sự áp đặt, hà khắc thiếu nhân văn nào đi đến trái tim học trò. Tại sao học trò có thể yêu cô giáo này, mà không thích thầy giáo kia. Đó chính là tình yêu nghề và sự quyến rũ riêng của mỗi thầy cô…
Cũng như nhiều ý kiến cho rằng, Tư lệnh ngành giáo dục, thay vì công văn công điện khẩn, đường dây nóng được khẩn cấp đưa ra, là thanh tra được chỉ tạo xuống tận nơi và giải quyết thấu đáo quyết liệt. Cùng với đó là những tâm thư khích lệ lòng trắc ẩn, động viên an ủi những gia đình phụ huynh hay thầy cô bị tổn thương. Và hơn tất cả là một cơ chế của sự “thật lòng”, không phải là nguyên tắc thầy luôn đúng, trò luôn sai. Để mỗi học trò, khi trưởng thành, nhìn lại những năm tháng đẹp đẽ hay sóng gió ở một ngôi trường nào đó, là những thân thương, đáng yêu, chứ không phải là một vết sẹo…
Nguyễn Mỹ (baophapluat.vn)