Ngày 6/10/2003, Bộ Chính trị (Khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết 33 nêu rõ: Xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm KT-XH lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ, là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế, trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung, là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Đà Nẵng phải phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

Chặng đường 15 năm với những bước tiến vượt bậc

Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, 15 năm qua, trong bối cảnh vừa có thuận lợi, đan xen với những khó khăn, thách thức, với nỗ lực và quyết tâm cao, TP. Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị và đạt được nhiều thành tích nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực.

Kinh tế - xã hội phát triển tương đối toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng gấp 4,2 lần so với năm 2003. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2003-2018, riêng giá trị năm 2018 ước đạt 63.960 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với năm 2003, bằng 1,39% so với cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 82,8 triệu đồng (3.677 USD), gấp gần 7 lần năm 2003 và 1,45 lần cả nước.

leftcenterrightdel
 

Tình hình chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia biển đảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được vững chắc, xây dựng thành phố an toàn, thân thiện, văn minh, “đáng sống”. 

Mục tiêu “Không có hộ đặc biệt nghèo” cơ bản hoàn thành. Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 về đích trước năm, giai đoạn 2013-2017 về đích trước 2 năm, đến cuối năm 2015 không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố. Thực hiện tuyên truyền và triển khai hiệu quả các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an”, địa bàn không có học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, thành phố đã thu hút và phát huy được các nguồn lực to lớn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị; công tác xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Không gian đô thị được mở rộng gấp 3 lần so với thời điểm năm 2003.

Đà Nẵng có những bước tiến vượt bậc, cảnh quan và nếp sống đô thị đang hình thành theo hướng văn minh, môi trường được bảo vệ. Hệ thống hạ tầng giao thông đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thông nội đô và kết nối liên vùng. Từ chỗ chỉ có hơn 300 con đường, đến nay thành phố đã có hơn 2.000 con đường, từ hai cây cầu đã xuống cấp, hiện nay Đà Nẵng có 9 cây cầu có kết cấu vững chắc, kiểu dáng hiện đại bắc qua sông Hàn và sông Cẩm Lệ...

 Đánh giá về những gì mà Đà Nẵng đã đạt được, ông Lauri Laakso, Cố vấn trưởng dự án IPP Phần Lan chia sẻ, “Đà Nẵng từng bước khẳng định là đô thị lớn của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng, là trung tâm kinh tế - xã hội và là đầu tàu, động lực phát triển của miền Trung - Tây nguyên; đi đầu trong hội nhập quốc tế”. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Đó là quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực sẵn có; tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại so với mặt bằng chung cả nước và khu vực miền trung - Tây Nguyên.

Mặc dù nhiều năm trở lại đây, Đà Nẵng luôn duy trì vị thứ ở tốp đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính… nhưng vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề về tổ chức bộ máy, là nguyên nhân dẫn đến những trì trệ, ách tắc, những bất cập, điểm nghẽn cản trở sự phát triển năng động của Đà Nẵng trong thời gian gần đây...

Dự báo trong thời gian tới, thành phố sẽ phải chịu nhiều tác động từ các yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và cả áp lực về hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông công cộng…

Với tầm nhìn về một thành phố hiện đại - thông minh, một thành phố toàn cầu, có bản sắc và đáng sống, mục tiêu xây dựng của Đà Nẵng là trở thành một thành phố “giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”, động lực tăng trưởng của khu vực miền trung - Tây Nguyên, hàng chục tham luận, ý kiến của các đại biểu dự hội thảo đã tập trung phân tích những thành tựu, kết quả cũng như hạn chế, khiếm khuyết của Đà Nẵng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị.

Cảnh báo về sự chững lại của Đà Nẵng trong vài văn trở lại đây, TS. Ngô Viết Nam Sơn, giảng viên đại học khu vực Bắc Mỹ cho rằng: Thành tựu phát triển của Đà Nẵng là rõ nét, với việc xây dựng một đô thị biển khang trang, hiện đại, văn minh, mang đậm yếu tố bản sắc miền trung, được bạn bè quốc tế thừa nhận là thành phố đáng sống của Việt Nam.

“Tuy nhiên, cũng còn nhiều điểm bất cập trong quá trình phát triển, như nội bộ các ngành kinh tế phát triển chưa đồng đều; quy hoạch không gian đô thị còn những điểm nghẽn, manh mún ở một số khu vực; quản lý sử dụng đất, phát triển hạ tầng chưa kết nối đồng bộ với hệ thống chung của vùng, quốc gia. Đặc biệt là Đà Nẵng chưa thể hiện được vai trò đầu tàu, vai trò hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền trung cũng như của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, TS Sơn cho biết.

Tạo ra “cú hích” để Đà Nẵng bứt phá

Để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, Theo PGS, TS. Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng), để Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị Đà Nẵng và vùng phụ cận, là cửa vào, ra cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, thành phố cần thay đổi cách thức phát triển từ nền tảng cơ sở khai thác cái sẵn có, nguồn tài nguyên sang nền tảng đổi mới sáng tạo và hội nhập trên cơ sở xây dựng Đà Nẵng thành đô thị thông minh và sáng tạo với hạt nhân là Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Mặt khác, cần tạo ra động lực mới cho phát triển, như: Củng cố bộ máy quản lý của chính quyền để kế thừa và tiếp tục truyền thống sáng tạo và đổi mới trong quản lý; tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng kinh tế đô thị thông minh, môi trường và hội nhập...

leftcenterrightdel
 Diện mạo Đà Nẵng đang ngày càng thay đổi là đô thị lớn của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng, là trung tâm kinh tế - xã hội và là đầu tàu, động lực phát triển của miền Trung - Tây Nguyên (Nguồn: Internet).

Trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, Đà Nẵng hiện đang được xây dựng và phát triển hướng đến các mục tiêu là trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục-đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung-Tây Nguyên; đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Tán thành những quan điểm của ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, lãnh đạo TP.Đà Nẵng và các bộ ngành Trung ương cần ghi nhận, tổng hợp những ý kiến để nghiên cứu, xây dựng một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 33, mở đường cho thành phố phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Hiện nay, Đà Nẵng xây dựng danh mục các dự án động lực, kêu gọi đầu tư triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn và các công trình có ý nghĩa động lực phát triển khu vực miền Trung - Tây nguyên, như: Dự án cảng Liên Chiểu, Ga đường sắt Đà Nẵng, Làng Đại học Đà Nẵng... Đồng thời, nghiên cứu đầu tư xây dựng mở rộng sân bay về phía Tây để nâng công suất cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lên 28 triệu hành khách/năm đến năm 2020...

Để sớm hoàn thành các dự án như dự kiến, Đà Nẵng cần có cơ chế tốt để thu hút nhà đầu tư, nguồn lực từ xã hội, phải coi nguồn lực từ ngân sách nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt, định hướng, chỉ là “khơi nguồn” “tạo đà” cho sự phát triển; nguồn lực tư nhân và các tập đoàn, các tổ chức tài chính lớn là động lực chủ yếu.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu TP.Đà Nẵng chủ động hơn trong phối hợp với các bộ ngành Trung ương xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, năng động, mang tính đột phá, để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo.

TP.Đà Nẵng phải xác định được đâu là nguồn lực chính của mình. Tiềm năng của một quốc gia, một địa phương nằm ở cơ chế chính sách, do đó phải xây dựng được một cơ chế thực sự đột phá. Trong đó, nguồn lực xã hội hay nguồn lực tư nhân là chủ yếu. Còn nguồn lực ngân sách Nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt chứ không nên kỳ vọng vào nó.

Bên cạnh đó, để tiếp tục tạo cơ sở và định hướng để Đà Nẵng phát triển mạnh, nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới, Đà Nẵng tổng kết, đánh giá lại kết quả, những tồn tại, hạn chế, đồng thời trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, nhất là các lợi thế so sánh của Đà Nẵng với khu vực, với cả nước và thậm chí là với thế giới... để có cái nhìn và định hướng toàn diện, bao quát hơn

 “Chúng ta và bạn bè quốc tế nói Đà Nẵng là thành phố đáng sống, đó là kết quả cụ thể nhất về khái niệm phát triển bao trùm hay là phát triển bền vững đối với TP Đà Nẵng. Bây giờ, thử xem đất nước chúng ta thời gian vừa qua có bao nhiều thành phố đáng sống? Vấn đề tốc độ phát triển kinh tế có thể rất tốt nhưng có thực sự là đáng sống chưa? Chúng ta thấy còn rất nhiều vấn đề của các thành phố lớn đang gặp phải và nó không phù hợp với chủ trương phát triển bền vững của Đảng hay chủ trương phát triển bao trùm của thế giới. Tôi khẳng định rằng, trong thời gian qua, ngoài tốc độ phát triển được thể hiện qua những chỉ tiêu, con số thì cái bao trùm nhất, đặc trưng nhất của Đà Nẵng là thành phố đáng sống. 

Tuy nhiên, cái đã qua đã tốt nhưng cuộc sống phải đi lên phía trước. Nhìn lại quá khứ để xây dựng tương lai cho tốt hơn. Vì vậy, hội thảo này là hết sức quan trọng để Đảng xây dựng một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 33 cho Đà Nẵng trong thời gian tới. Và, Nghị quyết sắp tới phải tốt hơn Nghị quyết 33, để mở đường cho Đà Nẵng phát triển ít nhất trong mươi - mười lăm năm tới và thời gian tiếp theo” - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Lê Tâm