Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về nguyên tắc, Ủy ban tán thành với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo

Tuy nhiên, cùng với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn còn có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số... và không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau.

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo Bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội.

Do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban về các vấn đề xã hội báo cáo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án quy định tại khoản 2 Điều 169 về Tuổi nghỉ hưu để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo .

Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, quy định tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề mới và khó, chưa có thực tiễn nên mức độ quy định như dự thảo là phù hợp. Một số nội dung Ủy ban đề nghị Chính phủ quan tâm, thận trọng và làm rõ trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành như: nguyên tắc về quản lý tài chính; thu phí thành viên; xử lý mối quan hệ về kinh phí công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn; việc người lao động được quyền tham gia một hay nhiều tổ chức đại diện cho mình; xác định mức độ đại diện của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp; giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các tổ chức của người lao động liên quan đến quyền thương lượng tập thể; cơ chế thực hiện các quy định về tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nếu ở đó có hơn một tổ chức của người lao động khi ban hành nội quy, mức lao động, thang lương, bảng lương,.... Ủy ban đề nghị Chính phủ khẩn trương bổ sung dự thảo Nghị định trình kèm theo Hồ sơ dự án Bộ luật./.

Xuân Hưng