6 bài học kinh nghiệm, 7 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đề xuất, kiến nghị

Trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Chính phủ và các cơ quan đã rất nghiêm túc, trách nhiệm, trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã nỗ lực khẩn trương thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị Báo cáo có chất lượng, đúng tiến độ theo yêu cầu. Báo cáo đã phản ánh cơ bản đầy đủ tình hình triển khai thi hành Hiến pháp trong 5 năm qua của các cơ quan, tổ chức theo yêu cầu.

leftcenterrightdel
  Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra

Tuy nhiên, Báo cáo cần thể hiện rõ hơn việc gắn các nội dung 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với quá trình tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48, Nghị quyết số 49... và xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Báo cáo cũng cần bổ sung đánh giá sâu hơn tác động của việc triển khai thi hành Hiến pháp đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế- xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế, việc bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…; bổ sung đầy đủ, bao quát hơn về những tồn tại, hạn chế, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức trong Báo cáo.

Tán thành với đánh giá chung trong Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Báo cáo cần bổ sung đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế và kiến nghị đã được nêu trong các Báo cáo thành phần của các cơ quan, tổ chức về từng nội dung để từ đó có những đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm triển khai thi hành Hiến pháp trong thời gian tới.

Cơ bản tán thành với 6 bài học kinh nghiệm, 7 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đề xuất, kiến nghị mà Chính phủ đề ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm đề xuất, kiến nghị đối với các chủ thể khác cũng có nhiệm vụ thi hành Hiến pháp như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận về lãnh đạo chỉ đạo thi hành Hiến pháp được các cơ quan Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, kỹ lưỡng. Ban Bí thư có Chỉ thị riêng về thi hành Hiến pháp, hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và toàn bộ hệ thống chính trị đều vào cuộc triển khai thi hành Hiến pháp.

Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp được coi là nhiệm vụ trọng tâm, trên thực tế đã triển khai nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thực, ý thức thượng tôn pháp luật. Về rà soát, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quyền hạn các cơ quan trong bộ máy Nhà nước là nhóm công việc lớn phức tạp, đòi hỏi thời gian khẩn trương.

Bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót chưa làm tốt, chưa làm đầy đủ như trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong lập pháp, hành pháp và tư pháp.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận

Nhấn mạnh đây là nội dung rất lớn, thời gian qua, nhiều luật về tổ chức bộ máy từ cuối khóa XIII đã cơ bản hoàn thiện, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga một số luật về tổ chức bộ máy mới ban hành được hơn 4 năm nay lại sửa đổi bổ sung, cần đặt ra vấn đề tầm nhìn trong xây dựng pháp luật, những vấn đề mới đặt ra trong hoàn thiện tổ chức bộ máy đã bám sát tinh thần của Hiến pháp chưa(?)

Cùng quan điểm, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng đã chỉ ra nhiều nội dung của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa, thiếu các quy định cụ thể triển khai thực hiện như về xây dựng chính quyền địa phương phù hợp đạc điểm mô hình đô thị, nông thôn; hay quyền giám sát tối cao của Quốc hội; quyền quyết định chính sách dân tộc của Quốc hội…đề nghị tiếp tục tổng rà soát để hoàn thiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ hơn các nội dung về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những lĩnh vực mới do thành tựu phát triển khoa học công nghệ, thông tin, điều kiện nguồn lực bảo đảm thực hiện các quy định của Hiến pháp.

Bên cạnh đó, về quyền công dân và trong báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rõ còn 3 luật là Luật về hội, biểu tình và hiến máu đặt ra trong chương trình nhưng chưa ban hành được, đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, xác định lộ trình để bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời lưu ý đến đẩy mạnh giải thích Hiến pháp, xem xét áp dụng trực tiếp một số quy định của Hiến pháp, khắc phục tình trạng đợi văn bản mới có thể tổ chức triển khai.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 trên cơ sở báo cáo sơ kết của 7 cơ quan trung ương và địa phương là công việc lớn, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tổng kết thi hành Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị cũng như chuẩn bị văn kiện cho Đại hội XIII của Đảng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo bổ sung thêm theo ý kiến thẩm tra và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới./.

Xuân Hưng