Nhỏ nhất, nhiều nhất

Sáng ngày 11/11/2017, sân bay Đà Nẵng diễn ra các hoạt động tấp nập đưa tiễn các đoàn thuộc 21 nền kinh tế, kết thúc Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra từ ngày 6 đến ngày 11/11. Nhiều ống kính tê lê của các phóng viên hướng về chiếc không lực Air Force One đang chờ đón Tổng thống Mỹ Donal Trump. Cũng vào thời điểm đó, ít ai nhận ra rằng, có một đoàn khách quốc tế khác đang xếp hàng để chuẩn bị lên một chiếc không lực nhỏ nhất trong tất cả các máy bay chở nguyên thủ quốc gia, đó là đoàn của quốc đảo Papua New Guinea.

Chiếc máy bay màu trắng mang số hiệu P2 – ANW đứng bên cạnh Boeing mang dòng chữ Estados Unidos Mexicanos. Sự khác biệt có thể thấy rõ, vì chiếc P2 – ANW chở toàn bộ đoàn công tác của quốc đảo Papua New Guinea, nhưng là loại máy bay nhỏ, có 3 động cơ ở đuôi. Theo tài liệu, đây là dòng máy bay Falcon, do Pháp chế tạo. Máy bay có chiều dài 20,21 mét (máy bay Boeng 747 dài gần 55 mét), tầm bay 7.400 km. Một đoàn tiêu binh mặc quân phục tiến đến cửa máy bay để làm thủ tục đưa tiễn Thủ tướng Papua New Guinea và đoàn tùy tùng. Các quan khách bước lên máy bay phải hơi cúi đầu trong khoang cửa chật hẹp để thực hiện động tác vẫy tay chào tạm biệt.

leftcenterrightdel
 Ông James Marape - Bộ trưởng Tài chính tại phố cổ Hội An (hiện nay là Thủ tướng Papua New Guinea) (ảnh: Văn Chương)

Nhưng có một điều khác biệt gây chú ý, đó là trong lúc đoàn của Thủ tướng Peter O’Neill bước vào cửa trước máy bay thì phía cửa sau vẫn tiếp tục “ấn” hàng hóa lên khoang. Có lẽ hàng hóa hơi nhiều, vì vậy mọi người phải nán lại một hồi lâu để sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy. Nhìn từ xa có thể nhận ra, đoàn công tác của Papua New Guinea rời Đà Nẵng đã mua về nhà đủ thứ, được đóng trong các thùng cô tông. Các vị quan khách đưa tay vẫy chào, nhưng trên tay vẫn kẹp nách vài món hàng và chiếc nón bài thơ.

Xứ sở… chiếc sừng

Papua New Guinea là ở đâu? Chúng tôi bắt gặp vài câu hỏi này trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Để mọi người dễ nhớ nhất, tôi mở hình ảnh vị đại sứ của quốc đảo này đóng khố, cởi trần ngồi họp tại Liên hiệp quốc. Tấm ảnh này từng gây bão khắp địa cầu, bởi ông đại sứ có sự khác biệt lớn giữa nghị trường toàn là quan chức áo vest, caravat. Gây cười nhất là chỗ nhạy cảm của đàn ông được gắn một chiếc sừng cong và nhọn, vút lên đến giữa ngực. Đây là một kiểu ăn mặc đúng chất truyền thống ở xứ sở quốc đảo. Có nhiều bình luận khác nhau về cách ăn mặc này, nhưng chung quy lại là những like, biểu tượng cười hết cỡ dành cho tấm ảnh.

Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017 tổ chức tại TP Đà Nẵng, có một đoàn quan khách da màu thường đi đến tất cả các địa điểm tổ chức và quan sát rất kỹ, đó là đoàn của Papua New Guinea. Ông Bayagau làm ở Đài phát thanh và Truyền hình quốc gia NBC, dù mới ở tuổi 50, nhưng răng của ông đã rụng mất mấy phần. Do tập tục ăn trầu khá phổ biến ở Papua New Guinea nên răng của Bayagau đen nâu giống như tập tục nhuộm răng ở Việt Nam cách đây trăm năm. Ông Jacob Polee Pora Schmiot trao đổi bên lề Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC cho biết, năm tới Papua New Guinea là nước chủ nhà đăng cai APEC, vì vậy chúng tôi sang Việt Nam để học tập kinh nghiệm tổ chức.  

leftcenterrightdel
 Đại sứ Papua New Guinea mặc trang phục thổ dân tại phòng họp của Liên hợp quốc gây bão mạng, nhưng phía sau có thể là thông điệp về một quốc gia nghèo khổ (ảnh tư liệu)

Phần lớn các thành viên trong đoàn của Papua New Guinea có ánh mắt thoáng chút tự ty, thường nhìn rất lâu vào nhiều thứ xung quanh. Còn người có phong thái thoải mái, nhanh nhẹn và giao thiệp tốt nhất trong đoàn là ông James Marape, Bộ trưởng tài chính. Ông Marape được giới thiệu sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học PNG. Ông Marape nổi bật với bộ vest màu huyết dụ. Khi lãnh đạo 21 nền kinh tế tham quan phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, Marape luôn đi đầu, bên cạnh một người khá nổi tiếng với truyền thông quốc tế, đó là David R. Malpass, Thứ trưởng Tài chính Mỹ. 18 tháng sau lần đi thăm quan phố cổ Hội An, ông Marape đã giành chiến thắng áp đảo và trở thành Thủ tướng thứ 8 của Papua New Guinea.

Chúng tôi đã viết câu hỏi gửi Thủ tướng Peter O’Neill đề nghị chia sẻ vấn đề xử lý ngư dân tỉnh Quảng Ngãi sang tận Papua New Guinea đánh cá trái phép từ năm 2015. Đây là vấn đề mà Thủ tướng Peter O’Neill từng gặp riêng cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang bên lề Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 tại Thủ đô Lima của Pê Ru để nói về vấn đề này. Tại Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017, hai bên cũng tiếp tục trao đổi về vấn đề ngư dân và nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Thủ tướng Peter O’Neill và Chính phủ Papua New Guinea quan tâm giải quyết vấn đề ngư dân tàu thuyền Việt Nam bị bắt giữ tại Papua New Guinea trên tinh thần nhân đạo và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Trang phục lông chim

Papua New Guinea nằm tại khu vực Nam Thái Bình Dương, gần với Úc. Papua New Guinea chỉ có 8,5 triệu dân nhưng sử dụng đến 850 thổ ngữ. Chỉ có 18% dân sống ở thành thị, còn lại là ở những vùng nông thôn, rừng rậm và còn lưu giữ nhiều phong tục bí ẩn. Nhiều ngư dân Việt Nam từng đặt chân đến đất nước này kể lại, phần lớn người dân vẫn đi chân không, tính cách sống theo bản năng, nếu thuyết phục họ bằng tình cảm cộng với chút lễ vật là áo quần nhiều màu sắc, thức ăn ngon thì việc gì cũng có thể cho qua.

leftcenterrightdel
 Một thành viên trong đoàn của Papua New Guinea đang bị “thôi miên” bởi vẻ đẹp của cô Thiên An, hướng dẫn viên tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (ảnh:Văn Chương )

APEC năm 2017 được tổ chức tại Papua New Guinea. Hình ảnh thú vị nhất, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được chào đón tại sân bay quốc tế Jackson, Port Moresby. Thay vì đoàn tiêu binh quân đội bồng súng thì Papua New Guinea bố trí một đoàn thổ dân, ăn mặc trang phục truyền thống – đầu đội lông chim màu đen, đỏ pha trộn; má, mũi, mắt đều được vẽ màu vàng lẫn màu đỏ; cổ mỗi người đeo hàng chục loại vòng hạt khác nhau; trên tay mỗi người cầm một chiếc trống nhỏ và chiếc váy vỏ cây nhún nhảy theo từng nhịp gõ, nhưng không thấy lặp lại hình ảnh trang phục với chiếc sừng nhọn hoắt từ vùng nhạy cảm.

 Ông James Marape từng trả lời truyền thông và có lời ngợi khen Phố cổ Hội An của Quảng Nam. Đó cũng là lúc một số nhà báo nhắc đến xứ sở Papua New Guinea và tấm ảnh chiếc sừng. Điều đó cho thấy, để thế giới biết về mình, đôi khi không cần phải cho ra siêu phẩm như Iphone, mà chỉ cần khoác lên người trang phục rồi thêm điểm nhấn như chiếc sừng nhọn hoắt. 

Lê Văn Chương