Đồng thời, với chuỗi sự kiện Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, du khách sẽ có dịp sống, trải nghiệm tại nơi vùng đất một thời lửa đạn đang “nở những đóa hoa hòa bình”.
|
|
Đoàn du khách tham quan Thành cổ Quảng Trị. |
Đẩy mạnh tour du lịch về đêm
Với hơn 500 di tích lịch sử, Quảng Trị luôn được xem là bảo tàng chiến tranh của Việt Nam. Bên cạnh đó, 72 nghĩa trang liệt sĩ, với hơn 54.000 phần mộ liệt sĩ trên mảnh đất Quảng Trị mãi là khúc tráng ca bất tử trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ luôn được nhân dân đời đời khắc ghi, tri ân, tưởng nhớ. Do đó, du lịch tâm linh - về nguồn được xem là sản phẩm trọng tâm của du lịch Quảng Trị.
Ông Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, Quảng Trị là một bảo tàng sinh động về lịch sử chiến tranh trong những năm qua. Để du khách và người dân hoài niệm về chiến trường xưa, Quảng Trị đã xây dựng hệ thống chiếu sáng và âm thanh thông minh tại các di tích quốc gia và giới thiệu các sản phẩm du lịch vào ban đêm như: viếng nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường sơn, tham quan Thành cổ Quảng Trị, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, thả đèn hoa đăng trên sông Thạch Hãn,…
Theo ông Hoan, những sản phẩm du lịch về đêm bước đầu đã hấp dẫn thu hút du khách, giúp tăng thời gian khách lưu trú, tăng doanh thu, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là một điểm nhấn mới cho du lịch Quảng Trị.
Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, Trung tâm triển khai nhiều hình thức quảng bá sản phẩm du lịch về đêm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube, Instagram... Trung tâm “tiếp thị” sản phẩm du lịch đêm ngay tại các khách sạn lớn ở trong tỉnh; tăng cường quảng bá, thu hút, mời gọi đầu tư vào phát triển du lịch tại Quảng Trị. Trung tâm tham mưu UBND tỉnh lựa chọn điểm đến mang tính điểm nhấn để đầu tư, xây dựng với đầy đủ từ hệ thống âm thanh, hình ảnh, thuyết minh, hướng dẫn viên chuyên nghiệp đến các dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Theo ông Tân, để di tích lịch sử trở nên hấp dẫn, thu hút du khách thì phải “thổi hồn” vào di sản bằng những câu chuyện và cho du khách có những trải nghiệm độc đáo, đáng nhớ, đặc biệt là để du khách cảm nhận được giá trị lớn lao về sự hy sinh và ước nguyện hòa bình.
Thời gian tới, ngành du lịch Quảng Trị tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tour du lịch đêm tại các khu di tích lịch sử quốc gia gắn với câu chuyện lịch sử, tái dựng hoạt cảnh lịch sử kết hợp âm thanh, ánh sáng làm tăng khả năng truyền cảm, tạo ấn tượng mạnh; đồng thời lồng ghép một số tiết mục nghệ thuật phục vụ du khách.
Trải nghiệm ở vùng đất thép
Đến Quảng Trị vào dịp Lễ hội Vì Hòa bình tháng 7 này, bên cạnh điểm đến các di tích lịch sử để tri ân, du khách còn có những trải nghiệm thú vị ở huyện đảo Cồn Cỏ hay biển Cửa Tùng, nơi từng được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi biển”; đến biển Gio Hải, biển Cửa Việt nhộn nhịp, hay về với biển Mỹ Thủy hoang sơ... Đến với Quảng Trị, du khách sẽ được đắm mình trong nhiều hoạt động các lễ hội về ẩm thực, văn hóa miền biển; đồng thời được trải nghiệm các hoạt động vui chơi, thưởng thức ẩm thực và ghi lại những hình ảnh đẹp ở vùng biển đảo xinh đẹp này.
|
|
Du khách thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn tri ân các Anh hùng liệt sĩ. |
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường cho biết, huyện đã có nhiều chủ trương phát triển dịch vụ - du lịch và chất lượng du lịch trên đảo ngày càng được du khách đánh giá tốt hơn. Toàn huyện hiện có 7 địa điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú với số lượng khoảng 80 phòng nghỉ, 200 giường, phục vụ trên 250 khách lưu trú; 5 điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát đảm bảo phục vụ khoảng 500 khách với những món ăn đặc trưng của đảo như: hàu, ốc biển, mực, ghẹ, hải sâm, cá, rong nho biển, chuối rừng, các loại thực phẩm, rau sạch được nuôi trồng trên đảo. Hiện, mỗi ngày có 2 chuyến tàu ra vào huyện đảo Cồn Cỏ đón khoảng 200-250 khách đến tham quan, lưu trú. Năm 2024, huyện đảo đặt ra mục tiêu đón khoảng 10.000 lượt khách, với doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt khoảng 15 tỉ đồng; số cơ sở lưu trú tăng từ 10 – 15%.
Theo ông Cường, lượng khách ra đảo Cồn Cỏ du lịch ngày càng tăng cao nhưng điều kiện lưu trú và hạ tầng du lịch trên đảo còn hạn chế, không đủ để tiếp nhận số lượng lớn. UBND tỉnh Quảng Trị đã và đang tích cực đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch tại huyện đảo, để nơi đây thành điểm đến hấp dẫn của Quảng Trị.
Du khách thích sự trải nghiệm, đam mê khám phá có thể ngược lên miền Tây Quảng Trị với vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ của động Brai, thác Tà Puồng, đèo Sa Mù, thác Chênh Vênh, Khu danh thắng Đakrông; Khu bảo tồn thiên nhiên Hướng Hóa... Ngoài ra, các suối, thác, không khí mát mẻ vùng núi rừng Hướng Hóa - nơi được ví là "tiểu Đà Lạt" cũng là sự lựa chọn thú vị của du khách vào những ngày hè. Ngành du lịch tỉnh Quảng Trị đang phát triển sản phẩm tour du lịch cà phê kết nối các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, văn hóa lịch sử tại huyện Hướng Hóa; đồng thời hoàn thiện Đề án thí điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến Quảng Trị ước đạt 1.433.000 lượt (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó khách quốc tế ước đạt 110.000 lượt; doanh thu từ du lịch ước đạt 1.062 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 236 cơ sở lưu trú với 3.481 buồng, 5.977 giường, trong đó có 2 khách sạn 4 sao và 6 khách sạn 3 sao. Các cơ sở kinh doanh, lưu trú du lịch đã chuẩn bị tốt điều kiện để phục vụ, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong mùa cao điểm.