Mũi Đại Lãnh (hay Mũi Điện) là mỏm núi ăn ra biển từ một nhánh của dãy Trường Sơn, phía đông bắc Đèo Cả, thuộc địa phận xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Mũi Đại Lãnh có tọa độ 12 độ- 53 phút- 48 giây Bắc và 109 độ- 27 phút- 12 giây Đông, cách thành phố Tuy Hòa, thủ phủ tỉnh Phú Yên khoảng hơn 30 km (đường chim bay) về phía Đông Nam. 

Kề bên Mũi Đại Lãnh về phía tây bắc là Bãi Môn, một bãi biển nhỏ, nhưng hoang sơ và dấu ấn của tỉnh Phú Yên.

Gắn với Mũi Đại Lãnh là Hải đăng Mũi Đại Lãnh (hay Hải đăng Mũi Điện), được người Pháp xây dựng năm 1890, một trong những ngọn hải đăng xây dựng sớm nhất và cổ nhất Việt Nam.

Tháp đèn hải đăng là một khối hình trụ cao 26,5 m so với nền móng và cao 110 m so với mực nước biển.

Đèn trên đỉnh tháp có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa đến 27 hải lý (gần 40 km). 

Du khách có thể lên đỉnh tháp đèn ngắm toàn cảnh núi non trong khu vực, sau khi leo 110 bậc của chiếc cầu thang xoắn ốc nằm bên trong lòng tháp.

Đây là ngọn hải đăng xa nhất về phía Đông trên đất liền của Việt Nam.

Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Bãi Môn- Mũi Điện là Di tích Danh thắng cấp Quốc gia. 

Mũi Đại Lãnh từng được xem là điểm xa nhất ở phía Đông (điểm cực Đông) trên đất liền Việt Nam.

Ngay nay, với kỹ thuật hiện đại, Mũi Đại Lãnh được xác định là điểm xa thứ hai về phía Đông, sau Mũi Đôi thuộc bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, có tọa độ 12 độ- 38 phút- 54,2 giây Bắc và 109 độ- 27 phút- 41,9 giây Đông.

Tuy vậy, với khoảng cách không chênh lệch nhiều so với điểm Cực Đông Mũi Đôi, Mũi Đại Lãnh vẫn là một trong những nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền của lãnh thổ Việt Nam.

Với cảnh quan đẹp và sự nổi tiếng, biểu tượng Mũi Đại Lãnh được Triều Nguyễn khắc trên Tuyên Đỉnh, một trong chín chiếc đỉnh (Cửu Đỉnh) đặt ở Thế Tổ Miếu bên trong Hoàng thành Huế.

Đáng lưu ý, Mũi Đại Lãnh nằm trong cụm 3 điểm đến dấu ấn ở phía nam tỉnh Phú Yên, cùng với danh thắng quốc gia Núi Đá Bia và di tích lịch sử quốc gia Bến tàu Không số Vũng Rô.

Những năm gần đây, với việc hình thành tuyến đường ven biển, việc tiếp cận các danh thắng và di tích này trở nên thật dễ dàng.

Dưới đây là một số hình ảnh về danh thắng Mũi Đại Lãnh:

leftcenterrightdel
 Mũi Đại Lãnh (hay Mũi Điện) là mỏm núi ăn ra biển từ một nhánh của dãy Trường Sơn, phía đông bắc Đèo Cả, tỉnh Phú Yên. Ảnh: NH.
leftcenterrightdel
 Mỏm núi hùng vĩ cao khoảng 80 m so với mực nước biển. Ảnh: NH.
leftcenterrightdel
 Từ Mũi Đại Lãnh có thể phóng tầm mắt nhìn ra đại dương bao la. Ảnh: NH.
leftcenterrightdel
 Mũi Đại Lãnh gắn với Hải đăng Mũi Đại Lãnh (hay Hải đăng Mũi Điện). Ảnh: NH.
leftcenterrightdel
 Mũi Đại Lãnh từng được coi là điểm cực Đông của Tổ quốc. Ảnh: NH.
leftcenterrightdel
 Hải đăng Mũi Đại Lãnh được người Pháp xây dựng năm 1890, là một trong những cây đèn biển được xây dựng sớm nhất và cổ nhất ở Việt Nam. Ảnh: NH.
leftcenterrightdel
 Mũi Đại Lãnh nhìn từ đỉnh tháp đèn. Ảnh: NH.
leftcenterrightdel
Mũi Đại Lãnh gắn với Hải đăng Mũi Đại Lãnh và biển Bãi Môn, là điểm đến dấu ấn của tỉnh Phú Yên. Ảnh: NH.
leftcenterrightdel
 Kề bên Mũi Đại Lãnh là bãi biển Bãi Môn, bãi biển nhỏ nhưng hoang sơ, dấu ấn. Ảnh: NH.
leftcenterrightdel
 Cận cảnh bãi biển Bãi Môn. Ảnh: NH.

Nguyễn Huân