Một di sản quý, một danh thắng!

Núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn), dân gian gọi là Núi Ông, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh, thuộc dãy núi Đèo Cả, án ngữ cửa ngõ phía Nam tỉnh Phú Yên, thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.

Núi nổi tiếng vì tảng đá khổng lồ có khắc chữ (đá bia) cao gần 80 m trên đỉnh núi. Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh chinh phạt phương Nam, Vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt.

Núi Đá Bia có độ cao tuyệt đối là 706 m, là khối núi nhô ra biển như một bán đảo, từng được coi là điểm cực Đông của đất liền Việt Nam, một trong những nơi đón ánh bình minh đầu tiên của cả nước. Lại nằm giữa vùng đồng bằng bằng phẳng, núi Đá Bia nổi bật, sừng sững giữa biển trời, có thể nhìn thấy từ khoảng cách hàng chục cây số.

 Với địa thế cao, vị trí thoáng, từ núi Đá Bia có thể nhìn bao quát vùng biển xung quanh và những thắng cảnh bậc nhất vùng Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hòa, thấy vịnh Vũng Rô ngay chân núi Nam Đèo Cả, thấy Mũi Đại Lãnh (còn gọi là Mũi Điện) với ngọn hải đăng Đại Lãnh và bãi biển Bãi Môn, nhìn thấu vịnh Văn Phong, biển Điệp Sơn và Mũi Đôi – Cực Đông, Hòn Hèo của Khánh Hòa.

Vào những ngày đẹp trời, thậm chí du khách còn có thể thấy thành phố biển Nha Trang. Nhìn về phía bắc, sẽ có được tầm nhìn bao quát cả vùng đồng bằng Đông Nam Phú Yên, núi Chóp Chài, Tháp Nhạn và sông Ba.

leftcenterrightdel
Núi Đá Bia là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh, thuộc dãy núi Đèo Cả, án ngữ cửa ngõ phía Nam tỉnh Phú Yên. Với địa thế cao, vị trí thoáng, từ núi Đá Bia có thể nhìn bao quát vùng biển xung quanh và những thắng cảnh bậc nhất vùng Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hòa.

Năm 1836, núi Đại Lãnh (trong đó có ngọn Đá Bia) được vua Minh Mạng cho khắc hình vào Tuyên đỉnh, một trong Cửu đỉnh, báu vật quốc gia đặt ở Đại nội Huế. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, núi Đá Bia là một căn cứ cách mạng quan trọng. Bên dưới núi là cảng Vũng Rô, nơi cập bến của những con tàu không số huyền thoại.

Người dân bản sứ coi núi Đá Bia là một trong những biểu tượng nổi tiếng của đất Phú Yên, cùng với những địa danh khác như núi  Nhạn, sông Đà Rằng,..

leftcenterrightdel
Núi Đá Bia nổi tiếng vì tảng đá khổng lồ có khắc chữ (đá bia) cao gần 80 m trên đỉnh núi. 

Núi Đá Bia được Bộ Văn hóa, thể thao & Du lịch công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia năm 2008. Gắn với núi Đá Bia không chỉ là cảnh quan núi non của một danh thắng, tai đây còn có khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường rộng gần 5.700 ha với kiểu rừng đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới đồi núi ven biển.

Danh thắng đang bị… “nuốt” dần

Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Đèo Cả, tỉnh Phú Yên đến năm 2020, diện tích bảo tồn của khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường là 5.689,4 ha.

Trong định hướng lâu dài, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu bảo vệ bền vững toàn bộ diện tích rừng và đất rừng; khoanh nuôi phục hồi rừng trên những diện tích đất trống còn lại trên khu vực núi Đá Bia- Núi Đại Lãnh; khai thác dịch vụ du lịch sinh thái gắn kết với các điểm di tích lịch sử, cảnh quan; tiến đến hình thành các khu du lịch sinh thái gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học; triển khai thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu,..

Quan trọng cả về giá trị cảnh quan, phòng hộ, lịch sử và đa dạng sinh học là vậy, nhưng núi Đá Bia từ hàng chục năm qua đã là mục tiêu của nạn khai thác đá trái phép để sản xuất vật liệu xây dựng.

Từ lâu, đây đã trở thành một trong những “trung tâm” sản xuất đá chẻ, “vựa” đá chẻ lớn của Phú Yên.

leftcenterrightdel
 Từ lâu, khu vực núi Đá Bia đã trở thành một trong những “trung tâm” sản xuất đá chẻ, “vựa” đá chẻ lớn của Phú Yên.

Qua khỏi đèo Cả, ngay khi bước vào địa bàn dân cư thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, có thể cảm nhận “không khí” và quang cảnh đặc trưng của một tụ điểm khai thác đá lộ thiên, thủ công.

 Tiếng khoan, đục đá chát chúa lẫn trong tiếng động cơ. Những tấm bạt che nắng liêu xiêu thấp thoáng dưới những tảng đá mồ côi. Đây đó, triền núi lộ ra những mảng lở lói, nham nhở màu đất đỏ tương phản với màu xanh cây cỏ.

Cả những hàm ếch, những vết lở, trượt và đá tảng xếp chồng, hẫng chân chơi vơi “treo” trên sườn núi.

Dọc chân núi Đá Bia có đến vài chục điểm khai thác đá lớn nhỏ, san sát. Có những điểm nằm sát trụ sở UBND xã Hòa Xuân Nam, hay cách trụ sở BQL rừng đặc dụng Đèo Cả, đơn vị quản lý rừng và đất lâm nghiệp tại Nam đèo Cả, chỉ chưa đầy có 100 m.

leftcenterrightdel
Dọc chân núi Đá Bia có đến vài chục điểm khai thác đá lớn nhỏ, san sát. 
leftcenterrightdel
Có những điểm nằm sát trụ sở UBND xã Hòa Xuân Nam, hay cách trụ sở Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng Đèo Cả, đơn vị quản lý rừng và đất lâm nghiệp tại Nam đèo Cả, chỉ chưa đầy có 100 m. 

Đá chẻ viên thành phẩm chất từng đống, ngồn ngộn. Đá lộ thiên trên sườn núi bị đục lấy đi, núi theo đó cũng bị “ăn mòn” dần.

Một cán bộ thuộc BQL rừng đặc dụng Đèo Cả cho biết, trong khu vực rừng và đất lâm nghiệp do Ban này quản lý, hiện có hàng chục điểm khai thác đá thủ công, không phép.

Ngoài khu vực chân núi giáp QL1, thuộc xã Hòa Xuân Nam, chân núi thuộc địa phận xã Hòa Tâm, tình trạng khai thác đá trái phép cũng diễn ra lâu nay. Đầu năm 2017, BQL đã thực hiện cắm biển cấm khai thác đá, sỏi, đất tại gần hai chục điểm trong lâm phận.

leftcenterrightdel
 Hoạt động khai thác đá trái phép diễn ra công khai...
leftcenterrightdel
 ...với những công trường lộ thiên, sát quốc lộ 1.
leftcenterrightdel
Hoạt động khai thác đá diễn ra liên tục từ hàng chục năm qua. 
leftcenterrightdel
Khai thác theo kiểu "móc" chân núi.. 
leftcenterrightdel
...khiến ngọn núi mất chân. Đã có những vụ lở núi xảy ra. Cả một vạt núi ập xuống.
leftcenterrightdel
 Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp, khoáng sản gần như bị buông lỏng. Các biện pháp ngăn chặn khai thác đá trái phép thiếu cương quyết, khiến hoạt động này diễn ra kéo dài. Danh thắng núi Đá Bia đang bị ... "nuốt" dần.

Các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên có thực hiện các đợt kiểm tra hoạt động khai thác đá trái phép tại khu vực núi Đá Bia, nhưng biện pháp thiếu cương quyết. Khi đoàn kiểm tra xuất hiện, các đối tượng khai thác đá bỏ đi. Khi đoàn rời đi, hoạt động khai thác đá trở lại bình thường.

Nguyễn Huân