Nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2021), BVPL xin chia sẻ một số hồi ức của Đại tá Nguyễn Văn Tuyên, thủy thủ tàu 41 và cựu chiến binh Trần Ngọc Tuấn, nguyên Chính trị viên của 3 con tàu huyền thoại 43, 55 và 56 của Đoàn tàu không số.
Những chuyến hành trình lịch sử của thủy thủ tàu 41, Đại tá Nguyễn Văn Tuyên
Ngày ấy (năm 1964), tôi là một thanh niên 20 tuổi, đang học ở trường cấp 3 Tiền Hải, Thái Bình, thấy có tuyển quân thế là gửi sách bút về nhà, tình nguyện nhập ngũ. Đó là thời kỳ cả nước bừng bừng khí thế ra trận, khát vọng của tuổi trẻ khi ấy là được cống hiến cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau 4 tháng huấn luyện ở Tiên Yên, Quảng Ninh, tôi viết đơn tình nguyện đi chiến đấu ở chiến trường B.
Nguyện vọng của tôi được trên chấp thuận và tôi được điều về Khu quân sự Đồ Sơn, huấn luyện những khoa mục cần thiết. Cấp trên cho biết sẽ được đi làm nhiệm vụ đặc biệt, nhưng đặc biệt thế nào thì chưa rõ. Sau hai tháng huấn luyện tôi cùng hai đồng chí nữa được điều về tàu 41 do đồng chí Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, đồng chí Trần Hoàng Chiến làm chính trị viên.
Cấp trên giao nhiệm vụ và căn dặn: “Các đồng chí được xuống tàu không số để làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt phải tuyệt đối giữ bí mật, ai làm người ấy biết, sống để bụng chết mang theo, không được trao đổi với bất kỳ ai. Đó là nguyên tắc phải tuyệt đối chấp hành, thư từ gửi cho ai đều phải qua kiểm duyệt, các đồng chí như những chiến sĩ cảm tử, nên những quy định trên là vì nhiệm vụ chung, chúng ta ai cũng phải chấp hành…”.
|
|
Thủy thủ Tàu không số Nguyễn Văn Tuyên (người đứng) và đồng đội Hà Văn Bằn. Nguồn: XT. |
Mọi người chúng tôi rất xúc động, tự hào trước nhiệm vụ quan trọng, hứa quyết tâm hoàn thành xuất sắc. Trong khoảng thời gian 6 tháng (từ tháng 8/1964 – 3/1965) tôi và đồng đội trên tàu 41 đã thực hiện được nhiều chuyến đi thành công.
Chuyến đi thành công đầu tiên của chúng tôi là chuyến xuyên Việt vào Cà Mau. Tàu chúng tôi từ xuất phát K20 - đối diện với Nhà máy xi măng Hải Phòng - đi K35 (Đồ Sơn) nhận hàng, hành trình qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) ra vùng biển quốc tế hướng về phía nam. Tàu đi trong điều kiện thời tiết xấu để dễ tránh địch, gặp sóng to gió lớn, cảm giác nhỏ bé lênh đênh trên biển cả.
Nhưng nguy hiểm hơn đó là kẻ thù luôn rình rập, tàu chiến, máy bay của Hạm đội 7 phong tỏa, theo dõi gắt gao. Một sự cố không may là ngay trong ngày đầu tiên tàu đã bị mắc cạn ở Hoàng Sa. Vào khoảng 2 - 3 giờ sáng tàu bị lao lên bãi cạn. Khi đó, thủy triều đã xuống thấp, tàu nổi trên bãi cạn, cách chỗ đóng quân của lính Việt Nam cộng hòa trên đảo khoảng 7 – 8 hải lý. Chúng tôi loay hoay suy tính: phương án 1, làm thế nào để đưa tàu ra mà không bị lộ để tiếp tục hành trình; phương án 2 là phá hủy tàu. Điện báo về nhà chấp thuận phương án 2, nhưng động viên tàu cố gắng thực hiện được phương án 1.
Suốt từ 3h sáng đến 11-12h đêm, anh em vật lộn, tìm mọi cách chằng buộc, thả neo để giữ cho tàu khỏi bị sóng đánh nghiêng sẽ làm hỏng lái và chân vịt. Đến khoảng giữa trưa, phía mũi tàu gác lên bãi cạn, lội xuống nước chỉ đến đầu gối. Rất may là bánh lái và chân vịt nằm ở một hốc sâu, chúng tôi bơi lội, chẳng buộc chắc, giữ cố định tàu ở vị trí đó. Phúc lớn đã đến với chúng tôi, đến khoảng 11-12 giờ đêm thủy triều lên, chúng tôi cố gắng hết sức dùng tời quay, kéo tàu ra được khỏi bãi cạn.
|
|
Khu di tích lịch sử cảng Vũng Rô. Nguồn: XT. |
Kiểm tra thân vỏ tàu, máy móc không việc gì, chỉ mất một neo trái. Hành trình của chúng tôi lại tiếp tục, sau hơn 3 ngày đêm vật lộn với sóng gió, bình tĩnh mưu trí xử lý các tình huống khi gặp địch, tàu đã tới Đất Mũi an toàn. Giao hàng xong, khi trở ra Bắc, mặc dù tàu đã được đóng hàng bằng cát, bùn, dừa nước, nhưng do đi ngược và gió mùa đông bắc to, tàu bị nghiêng, nhưng bằng tất cả sự cố gắng tàu đã về đến đích Hải Phòng an toàn. Sau đó, tàu được giao cho bộ phận bảo quản đưa vào Xưởng 46 sửa chữa.
Chuyến thứ 4 thành công và là lần thứ 3 chúng tôi vào Vũng Rô vào giữa đêm 30 Tết. Tôi còn nhớ đó là ngày 31/1/1965, đón giao thừa trong lúc giao nhận hàng. Chúng tôi tạm dừng ít phút nghe Bác Hồ chúc tết và cùng anh chị em ở bến đón xuân. Trước đó 1 giờ chúng tôi giật mình nghe vì bỗng nghe tiếng súng, tiếng pháo nổ râm ran trên đỉnh đèo, nơi địch đóng quân. Bọn chúng cũng nổ súng, đốt pháo đón tết mà không hề hay biết ngay dưới chân chúng cách chừng khoảng 100m theo đường chim bay Việt Cộng đang chuyển hàng chục tấn hàng từ miền Bắc vào.
Ăn Tết ở chiến trường, nơi rất nguy hiểm, nhưng đã diễn ra rất cảm động: cũng bánh chưng, bánh tét, dưa hành… mà tàu chúng tôi đã chuẩn bị mang theo từ Hải Phòng. Sau những lời chúc tụng nhau mạnh khỏe, giành nhiều thắng lợi, có một nữ thanh niên ở bến cầm nắm đất gói vào trong khăn mùi xoa trao cho đồng chí thuyền trưởng để chuyển ra ngoài miền Bắc, nói lên lòng biết ơn đối với Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc và hứa quyết tâm của quân dân Khu 5 với sự chi viện của hậu phương tình nghĩa thế này sẽ sớm giải phóng được quê hương miền Nam thống nhất đất nước.
|
|
Tàu HQ 671 được công nhận bảo vật quốc gia (nguồn: Bảo tàng Hải quân). Nguồn: XT. |
Hiện nắm đất này vẫn lưu giữ trong Bảo tàng Hải quân nhân dân Việt Nam. Sau chuyến đi này tàu 43 chở hàng vào Vũng Rô thì bị lộ, 14 cán bộ chiến sĩ hy sinh, trở thành sự kiện Vũng Rô. Tuyến đường tiếp tế cho cách mạng miền Nam bằng đường biển bị lộ, địch phong tỏa gắt gao, ta tạm dừng một thời gian ngắn, một số tàu được cử đi trinh sát nắm bắt tình hình địch trong đó có tàu 41.
Trinh sát nắm bắt tình hình địch
Tàu chúng tôi nhận nhiệm vụ trong một không khí tĩnh lặng, thể hiện sự quyết tâm rất cao, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ. Tôi nhớ đồng chí Trung tá Phó Chính ủy Võ Thành xuống tàu giao nhiệm vụ và động viên, có nói với nội dung là: Chuyến này các đồng chí đi với mục đích là tìm hiểu nắm bắt tình hình địch trên biển, tìm đến địch để xem chúng phản ứng ra sao, để trên tìm phương cách tiếp tục chi viện cho cách mạng miền Nam, nên chuyến đi này rất nặng nề, nguy hiểm, tàu có thể bị địch bắt, phá hủy, các đồng chí có thể phải hi sinh, chết ngoài biển khơi… đồng chí nào thấy khó khăn gì về riêng tư không đi được chuyến này thì cứ mạnh dạn báo cáo, tổ chức sẽ thu xếp tạm đưa các đồng chí sang tàu khác, khi tàu này nếu hoàn thành nhiệm vụ trở về, chúng tôi lại điều các đồng chí về 41 của mình…”.
|
|
Tưởng nhớ đồng đội tại di tích Hòn Hèo, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Nguồn: XT. |
16 cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đã từng thề sống chết có nhau trong mấy chuyến đi thử thách vừa qua, không ai lỡ rời nhau. Tất thảy chúng tôi vui vẻ sẵn sàng ra đi làm nhiệm vụ. Tàu giả dạng tàu cá Đài Loan, sau khi qua eo biển Lôi Châu – Hải Nam khoảng từ chiều hôm trước đến 8-9 giờ sáng ngày hôm sau thì gặp tàu chiến, máy bay của hạm đội 7 thay nhau bám sát, từ mạn phải sang mạn trái, cách khoảng 100 m, chụp ảnh, đánh tín hiệu hỏi, chĩa súng sang đe dọa. Chúng tôi bình tĩnh phơi, khâu vá lưới trên boong tàu, một vài người khoa chân múa tay vẫy chào chúng, đánh tín hiệu chúc chúng khỏe, bảo vệ ngư dân làm ăn…
Qua 1 ngày đêm sang ngày thứ 2, đến ngày thứ 3 chúng tôi giả kéo lưới từ vùng biển Philippines, cách đảo Song Tử Tây, Trường Sa 15 hải lý, chúng tôi chuyển sang hướng tây – đi về hướng vùng biển Việt Nam và cách bờ 70 hải lý. Địch càng tăng cường theo dõi, bám sát hơn khi tàu chúng tôi chuyển hướng vào gần phía bờ biển Việt Nam. Trên boong tàu chúng tôi vẫn hoạt động như những ngư dân: mang mực, cá khô đã chuẩn bị sẵn ra phới đầy boong. Địch vòng quanh giám sát rồi bỏ đi. Chúng tôi chuyển hướng về phía bắc hết ngày thứ 4, không thấy địch kèm nữa, đến tối chúng tôi chuyển hướng về phía bắc và trở về.
|
|
Viếng đồng đội tại Khu Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 tại bến Hòn Hèo, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Nguồn: XT. |
Chuyến đi trinh sát đã thành công, từ đó trên lại tiếp tục phái những con tàu không số đi vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam, nhưng vô cùng khó khăn và phải hy sinh nhiều cả tàu và con người. Sau chuyến đi tôi được cấp trên điều lên bờ, ôn văn hóa, được kết nạp vào Đảng và cử đi học ở nước ngoài, phải tạm xa con tàu và các đồng chí đồng đội đã từng gắn bó máu thịt với mình trong khi làm nhiệm vụ. Cuối năm 1974 tôi hoàn thành thành nhiệm vụ học tập trở về, tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư hàng hải. Đầu năm 1975, tôi theo sau các chiến dịch vào tiếp quản Đà Nẵng, Cam Ranh, Vũng Tàu…
Chính trị viên của 3 con tàu huyền thoại 43, 55 và 56 Trần Ngọc Tuấn và kỉ niệm về lần điều trị tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm
Chuyến vượt biển ấy, tàu chúng tôi chở 37 tấn vũ khí vào bến Đức Phổ, Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, tối 27/2/1968, tàu 43 do thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và tôi là chính trị viên được lệnh xuất bến. Đến 0h50’ ngày 1/3/1968, khi tàu còn cách bờ khoảng 15 hải lý thì có bốn tàu địch rất lớn vây chặn phía sau. Lúc này, thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng đứng trên đài chỉ huy quan sát sẵn sàng phát lệnh nổ súng, còn chính trị viên Tuấn lao đến từng vị trí kiểm tra và động viên anh em chiến đấu.
Sau khi địch bắn pháo sáng, đạn pháo từ bốn chiến hạm phía sau bắn cấp tập vào tàu của ta. Pháo địch vừa dứt, lập tức từ mạn phải tàu ta xuất hiện 10 tàu cao tốc, mỗi đợt hai chiếc lao vào tấn công, bộ đội Hải quân ta bình tĩnh, bí mật chờ tàu địch đến gần, Thuyền trưởng ra lệnh bắn trả. Lập tức các loại súng của ta nhả đạn chính xác, diệt một tàu địch ngay loạt đạn đầu và bắn bị thương hai chiếc khác trong đợt tấn công sau.
|
|
Cựu thủy thủ tàu không số Trần Ngọc Tuấn. Nguồn: TĐ. |
Tiếp theo, ba máy bay trực thăng HU1A của địch đến bắn súng máy cực nhanh, đạn trút như mưa, chỉ huy tàu ra lệnh sử dụng súng 12,7 ly bắn trả; ta bắn chính xác khiến chiếc máy bay đâm đầu xuống biển, bắn rơi thêm hai chiếc khác trong đợt tấn công sau của địch. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt trong ba giờ liền, tàu ta bị trúng đạn nặng, ba chiến sĩ hy sinh, nhiều người bị thương.
Tình thế mỗi lúc thêm bất lợi, nếu tiếp tục chiến đấu, khi trời sáng nhất định địch sẽ tăng cường lực lượng vây tàu ta. Nhận định vậy nên cấp ủy và chỉ huy tàu quyết định hủy tàu để không lọt vào tay địch, bảo vệ bí mật nhiệm vụ. Khi tiếng nổ ầm ầm vang dậy cả một vùng biển, cũng là lúc bác và đồng đội đã bơi 200m vào bờ và bắt được liên lạc với địa phương.
|
|
Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn và các đồng đội tàu 43 trong chuyến đi phục vụ Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu. |
Sau khi bắt liên lạc với địa phương, chúng tôi được người dân đưa xuống hầm bí mật để tránh cuộc càn quét của tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đóng trên núi Vàng. Chúng lùng sục liên tục mười ngày liền. Sau đó, đơn vị được du kích thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp đưa vượt qua ấp chiến lược đến Phổ Cường, chữa trị vết thương tại bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, rồi từ đây đơn vị tiếp tục hành quân bộ vượt Trường Sơn ra Bắc.
Những ngày nằm hầm trong tình trạng bị thương, nếu không có sự đùm bọc, tận tình chăm sóc của người dân địa phương thì chắc chắn tôi và đồng đội đã bị địch bắt. Ở Bệnh xá của chị Đặng Thùy Trâm, anh em được bác sĩ chăm sóc ân cần, chu đáo. Hình ảnh cô gái thủ đô động viên, thức suốt đêm chăm sóc thương binh là động lực để chúng tôi cố gắng lành bệnh nhanh chóng trở về đơn vị. Tôi không bao giờ quên được giây phút chia tay trước khi vượt đường bộ Trường Sơn trở lại đơn vị, chị Đặng Thùy Trâm mắt đẫm lệ, nắm chặt tay bác nói: “Thôi! Các anh đi mạnh giỏi, bình yên, hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu”. Lúc đó, mọi người đều bật khóc… Không ngờ sau lần chia tay ấy, chúng tôi không bao giờ được gặp lại bác sĩ Đặng Thùy Trâm nữa.