Mastercard xếp hạng 161 thành phố du lịch châu Á - Thái Bình Dương dựa trên số đêm nghỉ của khách quốc tế đến và chi tiêu du lịch, dùng dữ liệu cơ bản của Tổng cục Du lịch các nước.
Hà Nội đón 4,8 triệu lượt khách quốc tế nghỉ lại trung bình 3,8 đêm, trong khi TP HCM đón 4,1 triệu lượt khách đến nghỉ lại khoảng 5,3 đêm vào 2018. Đây là báo cáo Chỉ số Điểm đến châu Á - Thái Bình Dương hàng năm do công ty thanh toán Mỹ công bố vào tháng 9.
|
|
Năm ngoái, TP HCM và Hà Nội nằm trong 100 điểm đến du lịch đón nhiều khách nhất trên thế giới, theo báo cáo của Euromonitor International. Ảnh: Phong Vinh. |
Năm 2018, chi tiêu trung bình của khách nước ngoài là 78 USD một ngày tại Hà Nội và 98 USD tại TP HCM. Con số này thấp hơn nhiều so với các thành phố Đông Nam Á như Bangkok (184 USD), Singapore (272 USD), Kuala Lumpur (142 USD), Phuket (247 USD) hoặc Bali (125 USD).
5 điểm đến đứng đầu danh sách lần lượt là Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, Tokyo và Seoul, chiếm 22% toàn bộ khách qua đêm của khu vực. Trong đó, Bangkok đón nhiều khách qua đêm nhất thế giới, với 22,78 triệu lượt, và năm nay dự kiến tăng 3,34%.
Năm ngoái, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đón 342,2 triệu lượt khách du lịch và công tác, tăng trung bình 8,9% mỗi năm từ 2009. Mức chi tiêu của khách tăng trung bình 10,2% mỗi năm, từ 117,6 tỷ USD (2009) lên 281,1 tỷ USD (2018).
Khi nhiều điểm đến trong khu vực đang tăng trưởng do du khách Trung Quốc chiếm đa số, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nổi lên như những thị trường lớn. Trung Quốc chiếm 18,2% lượng khách qua đêm quốc tế, Hàn Quốc là 9,1% và Nhật Bản là 6%.
"Trong khi kinh tế thế giới, địa chính trị, công nghệ và xã hội đã thay đổi đáng kể từ khi Mastercard đưa ra nghiên cứu này 10 năm trước, một điều vẫn không đổi là đam mê khám phá thế giới của một lượng du khách không ngừng tăng lên", Rupert Naylor, phó chủ tịch cấp cao của Mastercard tại châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.