Thêm vào đó, xu hướng mới về thị trường khách quốc tế cũng là vấn đề đáng quan tâm của du lịch nước nhà thời gian qua và cần được nghiên cứu để đảm bảo phát triển đa dạng các dòng khách quốc tế, không chỉ phụ thuộc vào 1-2 thị trường khách.
Những tháng còn lại của năm 2019, du lịch Việt Nam nỗ lực để đón được 17,5 - 18 triệu lượt khách quốc tế. Nếu được, ngành Du lịch nước ta sẽ cán đích trước 1 năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
|
|
Du khách quốc tế đến tham quan Thừa Thiên - Huế qua cảng Chân Mây. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Khách Thái Lan - xu hướng mới
Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Vũ Quốc Trí cho biết, năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp, du lịch Việt Nam tăng trưởng ở mức tương đối cao. Cho đến nay, sự tăng trưởng khách từ các thị trường khá đồng đều. Trong đó, khách châu Á vẫn chiếm phần lớn với 77% tổng lượng khách quốc tế đến nước ta, tăng 8,2% so với cùng kì năm 2018. Khách đến từ châu Âu chiếm 14,1%, tăng 5,5%; châu Mỹ chiếm 6,1%, tăng 5,2%; châu Đại dương chiếm 2,6%…
Đặc biệt, nhóm khách có tốc độ tăng cao nổi bật trong 6 tháng qua là Thái Lan, đạt trên 245.000 lượt, tăng tới 45,5% và nằm trong 10 thị trường gửi khách tới Việt Nam đông nhất so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức tăng trưởng lớn nhất của thị trường khách Thái Lan đến Việt Nam từ trước đến nay. Ngoài ra, khách từ Indonesia cũng tăng 22%, Philippines tăng 20,4%...
Ông Vũ Quốc Trí cho rằng, dấu hiệu này cho thấy, Việt Nam đã bắt đầu có sức hấp dẫn với thị trường khách gần và khách trong khu vực ASEAN. Giờ không chỉ có người Việt Nam chuộng đi du lịch Thái Lan mà khách Thái Lan đã lựa chọn Việt Nam khi ra nước ngoài. Đây là xu hướng mới và Tổng cục Du lịch đang nghiên cứu để khai thác xu hướng này một cách tích cực, đóng góp cho sự phát triển chung của du lịch Việt Nam.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia du lịch, trao đổi khách giữa Việt Nam – Thái Lan ngày càng mạnh mẽ hơn khi nhiều đường bay thẳng giữa hai nước ra đời. Sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Phú Quốc, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt… đã có đường bay thẳng đến các điểm du lịch như Bangkok, Chiang Mai, Phuket của Thái Lan và ngược lại.
Gần đây nhất, đường bay Chiang Mai (Thái Lan) đến sân bay quốc tế Đà Nẵng, đã góp phần nối liền hai thành phố du lịch sôi động của hai nước. Cho đến nay, hàng chục hãng hàng không của hai nước đã mở các đường bay qua lại, góp phần đáng kể vào việc thu hút đông đảo khách Thái Lan đến Việt Nam. Đà Nẵng là một trong những điểm đến của Việt Nam thu hút nhiều khách Thái Lan, nhất là từ khi Cầu Vàng ở Khu Du lịch Sun World Bà Nà Hills ra đời, tạo hiệu ứng trên mạng xã hội và phủ sóng quảng bá rộng rãi ở đất nước Thái Lan. Chỉ trong quý I/2019, Đà Nẵng đón gần 60.000 lượt khách du lịch Thái Lan, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng cục Du lịch nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2019, du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì thúc đẩy, tăng trưởng cả khách du lịch quốc tế và nội địa. Mặc dù tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế 6 đầu năm 2019 không cao như năm 2018, nhưng ngành Du lịch quyết tâm đón 17,5- 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 700.000 tỷ đồng. Nếu đạt được con số này, tức là ngành Du lịch Việt Nam sẽ cán đích trước 1 năm so với mục tiêu đón 17- 20 triệu khách quốc tế vào năm 2020 như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đề ra …
Chú trọng xúc tiến, quảng bá
Theo Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2018 vừa được Tổng cục Du lịch công bố, đối với hầu hết các thị trường khách quốc tế, hình ảnh du lịch Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn hơn nhờ các hoạt động quảng bá xúc tiến, quan hệ gần gũi và chính sách thị thực nhập cảnh ngày càng thuận lợi. Năng lực vận tải hàng không của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Kết nối đường bộ giữa các điểm đến thuận lợi hơn; khả năng tiếp cận Việt Nam bằng đường biển cũng được cải thiện đáng kể.
|
|
Du khách quốc tế thưởng thức cà phê trên phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, trải nghiệm cách sống rất riêng của người Hà Nội: sống trên vỉa hè, ăn cơm trên vỉa hè, nuôi con trên vỉa hè, làm ăn trên vỉa hè. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Thế nhưng, các nước trong khu vực cũng cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch quốc tế thông qua xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh kết nối hàng không, thị thực nhập cảnh thuận lợi. Do đó, công tác quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam ở các thị trường quốc tế cần được chú trọng hơn nữa.
Trong năm 2018, các hoạt động quảng bá, xúc tiến được triển khai đồng bộ ở nhiều thị trường, bằng nhiều phương thức khác nhau trong đó có cả ứng dụng E- marketing. Hơn nữa, công tác xúc tiến, quảng bá đã huy động được nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp, đối tác, phát huy hiệu quả cơ chế đối tác công - tư (PPP). Kinh phí dành cho hoạt động này không tăng nhưng quy mô sự kiện lớn hơn, hiệu quả, tính chuyên nghiệp nâng cao hơn trước.
Ngay từ đầu năm 2019, công tác xúc tiến quảng bá đã được chú trọng với nhiều hoạt động đồng bộ ở nhiều thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc bởi đây là thị trường khách liên tục sụt giảm đáng kể về số lượng từ cuối năm 2018 do nhiều nguyên nhân khách quan. Sự sụt giảm khách Trung Quốc được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới chứ không riêng Việt Nam.
Trong những tháng còn lại của năm 2019, ngoài Trung Quốc, ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục xúc tiến, quảng bá, giới thiệu ở nhiều thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, châu Âu…; tiếp tục duy trì tăng trưởng thị trường Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Nga, Hoa Kỳ, Tây Âu, Australia… nhằm đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, hạn chế rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào 1-2 thị trường trọng điểm.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, trong năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn năm 2018 do bối cảnh, xu hướng quốc tế và lượng khách quốc tế đến nước ta đã đạt quy mô lớn hơn thời kì trước. Tuy nhiên, mức tăng của du lịch Việt Nam trong năm 2019 vẫn sẽ cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng bình quân của thế giới là 3 - 4% và khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 5 - 6%.
Tuy vậy, ngành Du lịch cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng du lịch Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế cần tập trung khắc phục. Đặc biệt, do mức tăng trưởng khách du lịch nước ta liên tục ở mức cao 3 năm liên tiếp đã khiến năng lực, sức chứa tại một số trung tâm du lịch ở một số thời điểm trong năm bị quá tải. Mặt khác, khách du lịch tập trung quá đông ở một số điểm đến gây ra tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh, không an toàn, không đảm bảo chất lượng dịch vụ… dễ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho hình ảnh du lịch Việt Nam…