Vẫn theo kiểu tự phát

Du lịch mạo hiểm có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhất là ở những địa phương có lợi thế về tự nhiên như Lào Cai, Quảng Bình, Lâm Đồng... Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của loại hình này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
leftcenterrightdel
Du lịch mạo hiểm tại Lâm Đồng. Ảnh: TTXVN phát 

Từ những vụ tai nạn khi tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm gần đây cho thấy loại hình này vẫn chưa được quản lý sát sao. Đơn cử như vào ngày 12/5, trên cộng đồng mạng loan tin về một nam “phượt thủ” mất tích khi tham gia trekking (hình thức đi bộ đường dài trên nhiều bề mặt địa hình) tại cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Đến ngày 20/5, các đội tìm kiếm đã phát hiện thi thể của “phượt thủ” ở tầng thứ tư thác 7 tầng ở núi Công Chúa (xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận).

Vào cuối năm 2017, cũng tại cung đường này một nữ “phượt thủ” cũng đã tử nạn khi cố gắng vượt suối. Sau sự việc cho thấy các nhóm phượt gặp tay nạn đều đi theo hình thức hoàn toàn tự phát, cũng không thuê hướng dẫn viên dẫn đường…

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Điều hành Công ty du lịch Threeland, đơn vị thường tổ chức du lịch mạo hiểm, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tai nạn khi tham gia tour mạo hiểm có nhiều, nhưng chủ yếu do các đơn vị tổ chức không chuyên nghiệp, cạnh tranh hạ giá giành giật khách dẫn tới không đủ chi phí để duy trì các tiêu chuẩn về an toàn… Tiếp theo là chủ quan của khách do quá tự tin vào khả năng của mình, hoặc cố chấp cứ khăng khăng làm dù vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể, dẫn tới không kiểm soát được hành vi…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết: Du lịch mạo hiểm tại Việt Nam vẫn theo kiểu tự phát, mạnh ai người đó làm. Khi khách có nhu cầu thì một số đơn vị đứng ra tổ chức, trong khi các tiêu chuẩn an toàn chưa đáp ứng.

Xử phạt nghiêm đơn vị vi phạm


Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), để tạo hành lang pháp lý cho kinh doanh du lịch mạo hiểm, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017 đã dành chương III đề cập “Biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của khách du lịch”.

Cùng với việc định danh các hoạt động du lịch có yếu tố mạo hiểm, Nghị định đã đề ra nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn khi kinh doanh loại hình này như: Phải có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan; Có phương án cứu hộ, cứu nạn, bố trí lực lượng cứu hộ và can thiệp, xử lý kịp thời các sự cố, bảo đảm giữ liên lạc với du khách trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm; bố trí sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp…

Quy định là vậy nhưng do không có tiêu chuẩn với từng loại du lịch mạo hiểm nên mỗi nơi áp dụng một kiểu. Đó là lý do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đang xây bộ Tiêu chuẩn quốc gia về Du lịch mạo hiểm. Ông Nguyễn Anh Tuấn Anh cho biết: Tại nhiều địa phương, các cơ quan quản lý du lịch còn đang bị động, thiếu các hướng dẫn, chỉ dẫn và cảnh báo an toàn cho du khách tại các khu vực nguy hiểm. Do đó, việc xây dựng các bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Du lịch mạo hiểm nhằm nâng cao hệ số an toàn, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân tuân thủ các yêu cầu pháp lý khi thực hiện hoạt động du lịch mạo hiểm.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng nhận định, du lịch mạo hiểm là loại du lịch chuyên biệt nên không thể chạy theo số lượng khách. Các đơn vị cần chắc chắn về khả năng tổ chức mới nhận tour. Không thể vì khách yêu cầu rồi mới mò mẫm cách làm. Đối với loại hình du lịch có ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng du khách, vai trò của hướng dẫn viên càng đặc biệt quan trọng. Cần có quy định về chứng chỉ riêng của hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm, bảo đảm họ không chỉ là người có khả năng giao tiếp, hướng dẫn, thông thạo địa hình mà còn có kinh nghiệm, kỹ năng hỗ trợ, xử lý rủi ro phát sinh.

“Để hoạt động du lịch mạo hiểm đi vào khuôn khổ, bên cạnh công tác thanh, kiểm tra thường xuyên thì phải xử lý nghiêm vi phạm để ngăn chặn kịp thời các hành vi kinh doanh tour trái phép, kém chất lượng. Khi đã phân cấp quản lý, nếu để xảy ra sự cố, không chỉ đơn vị vi phạm bị xử lý, mà đơn vị quản lý cũng cần liên đới trách nhiệm”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Theo Xuân Cường/Báo tin tức