|
|
Phong cảnh Cù lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) nhìn từ trên cao. (Nguồn: TTXVN)
|
Sau 10 năm bảo tồn và phát triển, hệ sinh thái của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An không chỉ được phục hồi tương đối nguyên vẹn mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Quảng Nam và khu vực miền Trung.
Bảo tồn nguyên vẹn giá trị hệ sinh thái
Với diện tích khoảng 15 km2, Cù Lao Chàm không chỉ là nơi bảo tồn nhiều loài động thực vật quý hiếm, mà còn là một di tích văn hóa lịch sử gắn với sự phát triển của thương cảng Hội An trước kia.
Nằm cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 km và cách Hội An khoảng 18km, Cù Lao Chàm là một cụm đảo trải dài theo hình cánh cung gồm 8 đảo: hòn Lao, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Lá, hòn Tai và hòn Ông.
Những hòn đảo lớn, nhỏ nằm xen kẽ nhau ấy tạo nên một Cù Lao Chàm đẹp như bức tranh không cầu kỳ về đường nét, nhưng lại quyến rũ bằng chính sự nguyên sơ vốn có với khu rừng xanh mướt soi mình xuống dòng nước trong xanh và những bãi biển cát trắng… Cụm đảo Cù Lao Chàm giống như những hòn ngọc xanh trên biển.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều cho rằng, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong số 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Hơn nữa, Cù Lao Chàm-Hội An còn có những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay.
Những giá trị đặc trưng, nổi trội đó là Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc Hệ thống các các khu bảo tồn cấp quốc gia; Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa của UNESCO được công nhận năm 1999; Rừng ngập mặn với đặc trưng là Hệ sinh thái rừng dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn; Rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; Hệ thống rừng phòng hộ ven biển; Các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử.
Đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm thì cụm đảo này là số ít đảo của cả nước còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ rừng đến 70%. Hệ sinh thái biển phong phú về thành phần loài và đa dạng nhóm thực vật trong hệ san hô, thảm cỏ biển.
Qua khảo sát năm 2018, độ phủ của san hô sống tăng lên nhiều lần so 31% trong năm 2008. Đặc biệt, hệ sinh thái vùng cửa sông ngày càng được bảo vệ, giữ gìn đang mang lại sự trù phú cho cư dân Cù Lao Chàm…
Thành công quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An 10 năm qua chính là đã bảo tồn nguyên vẹn giá trị hệ sinh thái rừng, biển, thể hiện ở sự đa dạng về loài và nguồn gene.
Cụ thể, các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rong biển được bảo tồn khá tốt. Tại vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, chương trình giám sát rạn san hô (Reef check) và giám sát cỏ biển (Watch sea grases), chương trình quan trắc chất lượng nước biển, chương trình làm vườn ươm và phát tán san hô, việc bảo tồn hệ sinh thái biển được triển khai thực hiện khá tốt.
Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, áp dụng với nhiều đối tượng, giống loài đang có nguy cơ tuyệt chủng và nằm trong sách đỏ như tôm hùm, ốc vú nàng, cua đá, bào ngư…
Đặc biệt, từ Chương trình phát triển Việt Nam-Đan Mạch về môi trường, năm 2011 Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã xây dựng giải phao khoanh vùng bảo tồn trên vùng biển Cù Lao Chàm, giúp phân định vùng ranh giới để người dân không vào khu vực cấm, không đánh bắt thủy hải sản… Qua đó, giúp bảo tồn các loài quý hiếm, phục hồi nguồn lợi thủy sản bị suy kiệt vì hoạt động đánh bắt.
Với hệ sinh thái rừng, qua kết quả nghiên cứu của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với Trung tâm GreenViet ghi nhận, rừng Cù Lao Chàm đã được phục hồi và bảo tồn khá nguyên vẹn.
Rừng Cù Lao Chàm hiện có 500 loài thực vật thuộc 5 ngành, 50 bộ và 105 họ. Nghiên cứu cũng cho thấy, khu hệ động vật Cù Lao Chàm có 128 loài thuộc 59 họ, 21 bộ, bao gồm 29 loài thú thuộc 17 họ, 7 bộ. Có 52 loài chim thuộc 24 họ, 12 bộ (7 loài quý hiếm có giá trị bảo tồn) khá đa dạng và phong phú.
|
|
Bến thuyền khu làng chài tại Cù lao Chàm. (Nguồn: TTXVN) |
Theo bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, sau 10 năm được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, bên cạnh thành tựu về bảo tồn, phát triển kinh tế-xã hội địa phương, một trong những thành công quan trọng chính là nhận thức của cộng đồng cư dân được thay đổi.
Tại vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, người dân từ khai thác chuyển sang bảo vệ, đồng hành như những cán bộ bảo tồn thực thụ. Ngoài ra, rừng và biển Cù Lao Chàm gần như được bảo tồn nguyên vẹn, nhất là rạn san hô, trở thành nơi nuôi dưỡng các nguồn lợi thủy sản.
Đồng thời sự hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ dự án, cấp kinh phí trong triển khai các mô hình thí điểm; sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố Hội An thông qua các đề tài, công trình nghiên cứu, cơ chế chính sách phù hợp cùng quan điểm “bảo tồn để phát triển - phát triển phục vụ cho bảo tồn” đã giúp Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An được bảo tồn, phát triển hiệu quả.
Hướng đến phát triển bền vững
|
|
Một góc Cù lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). (Nguồn: TTXVN) |
Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã có kế hoạch quản lý 5 năm tới, đồng thời điều chỉnh toàn bộ hệ thống phân vùng tại Cù Lao Chàm, chỉnh sửa quy chế quản lý để phù hợp thực tiễn vì quy chế đã được tính quy hoạch cách đây đã 15 năm và không còn phù hợp. Bây giờ phát triển để bảo tồn nên mọi việc phải song hành phải đặt bảo tồn làm nền tảng chứ không phải phát triển bằng bất cứ giá nào.”
Bên cạnh những thành tựu về bảo tồn, việc gìn giữ, bảo vệ môi trường tại vùng lõi Cù Lao Chàm cũng đã được đánh giá cao. Có thể kể đến một số phong trào, mô hình như “Nói không với túi ny lon,” “Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương” hay các mô hình phục hồi san hô, chuyển vị rùa biển...
Đặc biệt, sự chuyển biến mạnh mẽ đời sống kinh tế-xã hội của người dân trên đảo thông qua các hoạt động du lịch trở thành điểm sáng nổi bật.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Hiệp cho biết, sau 10 năm trở thành vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, cơ cấu kinh tế xã đảo đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng du lịch-dịch vụ.
Nếu năm 2009 Cù Lao Chàm đón hơn 15.000 lượt khách thì trong năm 2018 tổng lượt khách quan đảo đạt hơn 415.000 người.
Đời sống nhân dân ngày càng khấm khá, từ năm 2015 xã đảo đã không còn người nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 42 triệu đồng.
Đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên theo bà Trần Thị Hồng Thúy, việc bảo tồn hệ sinh thái Cù Lao Chàm cũng đối diện những thách thức. Điển hình như rừng Cù Lao Chàm vẫn chưa được xác lập khu rừng đặc dụng và đang được quản lý, chi phối bởi nhiều đơn vị.
Khảo sát cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, rừng Cù Lao Chàm bị tác động rất lớn từ việc xây dựng các công trình trên đảo, hệ sinh thái rừng bị chia cắt thành nhiều mảng, nhiều diện tích rừng tự nhiên bị mất..., làm ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc hệ sinh thái, chia cắt sinh cảnh sống của các loài động vật. Việc sạt lở đất đá vào mùa mưa làm tăng thêm trầm tích che phủ rạn san hô, ô nhiễm môi trường biển.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An khẳng định, quan điểm xuyên suốt của thành phố là lấy bảo tồn làm nền tảng cho phát triển, trong đó văn hóa, sinh thái là hai thành tố chính để thực hiện định hướng xây dựng và phát triển Hội An, với Cù Lao Chàm vấn đề này càng rõ ràng.
Bài toán của Cù Lao Chàm hiện nay chính là giải quyết câu chuyện giữa phát triển du lịch và các vấn đề phát sinh trên đảo như môi trường, nguồn nước, bảo đảm an toàn, giữ gìn đa dạng trong vùng lõi, hạn chế sự suy giảm các thành tố biển nằm rải rác quanh khu vực đảo, nhằm vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo tồn, duy trì sự đa dạng trong khu sinh quyền, đặc biệt vùng lõi và vùng đệm trong khu rừng dừa nước Cẩm Thanh; đồng thời duy trì giữ gìn tốt các yếu tố nhân văn, văn hóa bản địa của cư dân nơi đây. /.