Cẩm Kim là nơi tụ họp, hợp cư của con người từ nhiều nơi, nhiều thế hệ, nơi giao lưu, gặp gỡ văn hóa Chăm – Việt – Hoa. Quá trình hình thành làng xã và những sinh hoạt đã tạo nên sắc thái riêng.
leftcenterrightdel
Du khách tham quan làng mộc Kim Bồng 
Bên cạnh đó, văn hóa, nghệ thuật dân gian và ẩm thực cũng góp phần tạo nên nét đặc trưng riêng có của vùng quê Cẩm Kim với hệ thống di sản vật thể là các di tích lịch sử - văn hóa khá phong phú.

Cẩm Kim có nhiều nghề nhưng nổi tiếng là làng mộc với thương hiệu “Mộc Kim Bồng”. Hiện làng mộc Kim Bồng còn khoảng 29 cơ sở sản xuất với gần 100 lao động; trong đó có 60 lao động nghề mộc đang làm nghề trong 12 cơ sở tại trung tâm làng nghề.
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Các nghệ nhân trình diễn nghề trong ngày giỗ tổ hàng năm 
Những năm gần đây hoạt động sản xuất, kinh doanh nghề mộc Kim Bồng sụt giảm khá nhiều. Nếu như năm 2015, doanh thu nghề mộc đạt 7,5 tỷ đồng thì năm 2018 chỉ còn khoảng 5 tỷ đồng. Tương tự, hoạt động du lịch cũng không khá hơn, lượng khách giảm dần qua từng năm, từ hơn 111 nghìn lượt khách năm 2015 giảm còn 41 nghìn lượt khách năm 2018.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch TP Hội An - khẳng định, mục tiêu hướng đến phát triển làng mộc vừa là sản phẩm hàng hóa, vừa là sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với lợi thế cảnh quan tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống của làng.

Theo đó, giai đoạn 2019 - 2025 sẽ tập trung xây dựng trung tâm làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm mộc, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh, từng bước mở rộng không gian làng nghề Kim Bồng ra ngoài vùng lõi.

Trước mắt, năm 2020 sẽ tiến hành quy hoạch, cải tạo cảnh quan, không gian văn hóa làng nghề, chủ yếu tập trung vào khu trung tâm như xây dựng khu vực trình diễn nghề; tiểu công viên, dịch vụ ăn uống; khu vực đóng sửa tàu thuyền…

Đồng thời cũng sẽ tiến hành nạo vét lòng sông; xây dựng cầu tre bắc qua bãi bồi gắn với việc tổ chức các trò chơi dân gian trên bãi; vận động các hộ dân sản xuất nghề thủ công khác trên địa bàn xã vào khu trung tâm làng nghề sản xuất trình diễn phục vụ khách; đầu tư xây dựng nhà gỗ 3 gian, bên trong tái hiện không gian truyền thống (thờ tự, ăn ở, sinh hoạt…) nhằm tạo điểm đến cho khách tham quan, tìm hiểu về đời sống sinh hoạt truyền thống của người dân làng mộc Kim Bồng.

Lãnh đạo TP Hội An cho hay, sau khi phương án khôi phục và phát triển du lịch làng mộc Kim Bồng được thông qua, bên cạnh tổ chức lại bộ máy quản lý du lịch làng mộc Kim Bồng, đơn vị cũng tiến hành các hoạt động kết nối khách, tổ chức bán vé, hướng dẫn tham quan.

Đồng thời tuyên truyền vận động người dân hạn chế, tiến đến không nhập hàng bên ngoài về bán vì một mục tiêu khác của đề án chính là giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống Kim Bồng nên phải ưu tiêu sản phẩm tại chỗ.

Dự kiến, nhân sự kiện giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Hội An sẽ khai trương tour tham quan làng nghề.
Theo Dân trí