leftcenterrightdel
 Ảnh: AP

Quyết định này được đưa ra sau nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn của người hâm mộ bóng đá Đức phản đối thoả thuận này khiến các trận đấu ở hai giải đấu hàng đầu của Đức, Bundesliga và Bundesliga 2, liên tục bị gián đoạn do người ủng hộ ném bóng tennis và các vật thể khác xuống sân bóng, khiến có trận đấu bị gián đoạn tới 30 phút.

Ông Hans-Joachim Watzke, Chủ tịch Ban giám sát DFL và Giám đốc điều hành Câu lạc bộ Borussia Dortmund, cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp DFL ngày 21/2: “Với những diễn biến hiện tại, việc tiếp tục thoả thuận hợp tác một cách suôn sẻ dường như không còn khả thi nữa”.

Ông nói: "Mặc dù phần lớn mọi người đều nhận thấy sự cần thiết về mặt kinh tế của quan hệ đối tác chiến lược này, nhưng bóng đá chuyên nghiệp Đức đang phải đối mặt với một thử thách cam go trước sự chia rẽ không chỉ giữa các câu lạc bộ trong giải đấu mà còn ngay trong nội bộ các câu lạc bộ: giữa các cầu thủ, huấn luyện viên, quan chức, các thành viên hội đồng quản trị và nhóm người hâm mộ với nhau“.

Ông nói thêm rằng các tranh chấp đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến "các hoạt động thi đấu, đến các trận đấu và tính toàn vẹn của giải đấu."

Các nhóm fan hâm mộ bóng đá Đức phản đối cả thỏa thuận nói trên lẫn cách thức tiến hành thoả thuận, chủ yếu trên quan điểm chung phê phán việc thương mại hóa bóng đá quá mức.

Thỏa thuận DFL đề xuất một “quan hệ đối tác chiến lược” với công ty cổ phần tư nhân CVC, công ty sẽ đầu tư tới 1 tỷ euro vào các giải pháp tiếp thị kỹ thuật số nhằm mục đích nâng cao giá trị bản quyền phát sóng quốc tế của Bundesliga. Đổi lại, nhà đầu tư sẽ được hưởng 8% doanh thu từ bản quyền phát sóng đó trong thời gian 20 năm.

Trong khi DFL khẳng định khoản đầu tư này là cần thiết để giúp các câu lạc bộ bóng đá Đức có sức cạnh tranh quốc tế, người hâm mộ lại lo ngại rằng một nhà đầu tư tiềm năng có thể sẽ tác động đến các yếu tố của trận đấu như thời gian bắt đầu, lên lịch thi đấu sao cho phù hợp với khán giả truyền hình quốc tế hơn là tính đến những người đi xem trực tiếp tại sân vận động.

Thỏa thuận ban đầu được 24 trong số 36 câu lạc bộ thuộc DFL bỏ phiếu kín thông qua vào ngày 11/12, đạt 2/3 đa số cần thiết để trao cho ban điều hành quyền đàm phán và chấp thuận thỏa thuận với một đối tác tiềm năng.

Tuy nhiên, đã xảy ra tranh cãi về lá phiếu quyết định cuối cùng được đưa ra bởi Giám đốc điều hành của đội hạng hai Hannover 96, Martin Kind, người bị nghi ngờ đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận bất chấp chỉ thị rõ ràng từ câu lạc bộ chủ quản của ông về việc bỏ phiếu chống.

Điều này, trong mắt người hâm mộ và ngày càng nhiều câu lạc bộ, đã vi phạm cái gọi là quy tắc 50+1, quy định của DFL rằng các câu lạc bộ chủ quản - và nói rộng hơn là các thành viên của họ, người hâm mộ - phải duy trì 50% cổ phần có quyền biểu quyết cộng với một cổ phần trong các công ty thuê ngoài điều hành hoạt động bóng đá chuyên nghiệp của họ.

Khi các cuộc biểu tình của người hâm mộ tại các trận đấu trên khắp nước Đức ngày càng gia tăng, một trong hai ứng cử viên hàng đầu cho thoả thuận đầu tư, công ty cổ phần tư nhân Blackstone của Mỹ, đã rút khỏi quy trình với lý do môi trường không chắc chắn và bất ổn.

Kể từ đó, một số câu lạc bộ đã lên tiếng ủng hộ đề xuất do câu lạc bộ Bundesliga FC Cologne đưa ra, kêu gọi bỏ phiếu lần cuối cho bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với nhà đầu tư còn lại là CVC. Cuộc bỏ phiếu phải minh bạch và công khai để đảm bảo tuân thủ quy tắc 50+1 và mang lại tính hợp pháp cần thiết cho thỏa thuận.

Tuy nhiên, khả năng này sẽ không còn xảy ra nữa sau khi DFL thông báo ngày 21/2 sẽ ngừng quá trình thoả thuận này.

Theo TTXVN/Báo Tin tức