Cầu Mống là địa danh nằm tại xã Điện Phương, huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam. Đó là một ngôi làng nhỏ nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20km. Cầu Mống nổi tiếng khắp cả nước nhờ món đặc sản bê thui ngon trứ danh.

Món ăn này còn được người dân Đà Nẵng gọi bằng một cái tên khác là “bò tái Cầu Mống”. Độ nổi tiếng của món bê thui Cầu Mống lớn đến mức có rất nhiều quán ăn ở các tỉnh thành khác đã sử dụng cái tên này để đặt cho món bê thui của quán mình. Tuy nhiên, nếu du khách muốn thưởng thức được hương vị chuẩn của món bê thui Cầu Mống thì phải đến với thành phố Đà Nẵng xinh đẹp.

leftcenterrightdel
 Vào năm 2013, món bê thui Cầu Mống của người dân xứ Quảng đã được công nhận là kỷ lục quốc gia nằm trong top 50 món đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.

Vào năm 2013, món bê thui Cầu Mống của người dân xứ Quảng đã được công nhận là kỷ lục quốc gia nằm trong top 50 món đặc sản nổi tiếng của Việt Nam tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5. 

Theo những bậc cao niên tại địa phương, món ăn này xuất hiện từ rất sớm, khoảng những năm 1960 và ngày càng nổi tiếng cho đến thời điểm hiện tại, bê thui Cầu Mống đã trở thành món ăn đặc sản nức tiếng trên cả nước. Trong suốt khoảng thời gian đó cũng có rất nhiều câu chuyện về món ăn này được lưu truyền. 

Có câu chuyện kể rằng, một người đàn ông tên Đợi đã “phát minh” ra món bê thui. Nhà ông Đợi nằm ngay bên cạnh bờ sông Cầu Mống, vì vậy tên gọi của món ăn này đã được gọi là bê thui Cầu Mống. Ông Đợi kể lại, vào năm 39 tuổi, ông làm nghề buôn thịt heo.

Ngày ngày, ông đi khắp Duy Xuyên, Điện Bàn,... để mua heo về nhốt, đến gần sáng sớm sẽ đem heo đi xẻ thịt rồi gánh ra chợ bán. Một hôm, ông Đợi có dịp đến thị trấn Nam Phước gặp đúng lúc một gia đình nọ đang bán bê, ông liền mua luôn. Trong suy nghĩ, ông Đợi có ý định mua bê về để xẻ thịt rồi mang đi bán để kiếm lời, sau đó cùng bạn bè anh em tổ chức ăn nhậu. Nhưng tới khi dẫn chú bê con về đến nhà, ông đã thay đổi kế hoạch không xẻ thịt mà mang đi cắt tiết rồi đem thui.

leftcenterrightdel
 Thịt bê thui xong có vị ngon lạ thường, mùi thơm nức mũi, ai ăn cũng khen nức nở.

Sự thay đổi ngẫu hứng ấy đã đem đến cho ông Đợi một kết quả bất ngờ. Thịt bê thui xong có vị ngon lạ thường, mùi thơm nức mũi, ai ăn cũng khen nức nở. Ông liền mời hàng xóm sang nhà ăn thử và mọi người đều rất yêu thích món ăn mới lạ, độc đáo này. Họ còn góp ý cho ông Đợi về việc bổ sung thêm một số gia vị để món bê thui của ông trở nên ngon tuyệt hảo hơn.

Từ đó, món ăn của ông Đợi đã trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Nhận thấy sự tiềm năng, ông đã bỏ nghề buôn lợn để chuyển sang bán bê thui. Mặc dù là vậy nhưng cũng khá ít người biết chính ông Đợi là người khai sinh ra món bê thui Cầu Mống. Bởi những người may mắn được nếm thử món ăn này năm nào giờ cũng đã lớn tuổi, không còn minh mẫn nữa. 

Theo thời gian, món ăn của ông Đợi đã được người dân địa phương kế thừa, phát triển nhưng vẫn giữ trọn được hương vị độc đáo. Ở Cầu Mống, hàng loạt quán bê thui nằm san sát nhau ngay mặt đường quốc lộ 1A, vì vậy, du khách có thể tìm thấy các quán ăn một cách khá dễ dàng. Có nhiều quán bê thui được mở ra nhưng nếu muốn thưởng thức bê thui ngon chuẩn bị, du khách nên lựa chọn các quán lâu đời có tiếng ở địa phương như quán Mười hay quán Bảy Lép,..

Món bê thui ở Cầu Mống trở nên đặc biệt là do nó được tạo nên từ bí quyết lâu đời của các chủ quán nơi đây cùng với nguồn bê chất lượng được nuôi hằng ngày bằng thân cây ngô non của những bãi biển nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn hoặc những ngọn mía tươi ngọt đã giúp thịt bê có hương vị và độ ngọt thơm đặc biệt hơn món bê thui ở những nơi khác.

leftcenterrightdel
 Ở Cầu Mống, hàng loạt quán bê thui nằm san sát nhau ngay mặt đường quốc lộ 1A, vì vậy, du khách có thể tìm thấy các quán ăn một cách khá dễ dàng.

Nhiều người nhìn món ăn này và tưởng rằng quá trình thui bê khá đơn giản nhưng thực chất, đó là cả một bí kíp gia truyền mà những chủ quán bê thui ở xứ Quảng không dễ dàng gì có thể tiết lộ. Theo kinh nghiệm được truyền lại, để làm được ra món bê thui thơm ngon chuẩn vị, cần phải sử dụng những con bê không nặng quá 30kg để thịt không bị nhão. Cùng với đó là nhiều loại rau đặc sản của vùng quê sông nước Quảng Nam để ăn kèm với bê như ngổ, tía tô, xà lách, thơm, khế chua, cải non, rau húng, chuối chát, giá, rau quế,...

Những con bê sau khi được làm sạch phần lông và bỏ đi phần lòng sẽ được khâu kín bụng bằng dây thép, sau đó, những chủ quán sẽ dùng một thanh sắt dài xỏ vào thân bê theo chiều dọc. Tiếp đó, bê sẽ được gác ngang ngọn lửa để bắt đầu thui. Kỹ thuật thui bê được xem là bí mật nghề nghiệp riêng của mỗi chủ quán. Ngày trước, bê thường được thui bằng củi cây dâu, còn ngày nay, người ta thường sử dụng than hoa để thui bê. 

Khi thui, cần phải chú ý canh lửa sao cho thật đều tay, phải làm sao để bê vừa chín tới thì thịt mới mềm và ngọt. Thịt bê đạt chuẩn sẽ có đủ hai tầng thịt chín, tái rõ ràng. Phần bì thịt sẽ chín trong suốt, khi ăn vừa mềm, vừa giòn. Miếng thịt bê khi mang lên chế biến cho khách phải vẫn còn giữ được màu hồng đỏ tươi, chỉ hơi tái một chút để khi khách thưởng thức món ăn, vị ngọt của thịt sẽ lan tỏa trong miệng.

leftcenterrightdel
 Những con bê thui xong sẽ được xẻ thịt phân thành từng tảng lớn sau đó treo trong tủ kính. Khi có khách gọi món, những chủ quán bê thui mới bắt đầu thái thịt để giữ trọn vẹn được độ mềm ngọt, tươi ngon.

Những con bê thui xong sẽ được xẻ thịt phân thành từng tảng lớn sau đó treo trong tủ kính. Khi có khách gọi món, những chủ quán bê thui mới bắt đầu thái thịt để giữ trọn vẹn được độ mềm ngọt, tươi ngon. Khi thái thịt cũng phải sử dụng những con dao thật sắc, thái thật đều tay với tốc độ nhanh để miếng thịt bê giữ nguyên được cả phần da lẫn phần thịt. Những miếng thịt cần được thái miếng vừa phải, không được mỏng quá, cũng không được dày quá để phù hợp với mọi thực khách từ già đến trẻ. 

Chị Yến Hồng, một chủ quán bê thui Cầu Mống cho biết: “Ở đây chúng tôi thường lựa chọn bê rất kĩ. Những con bê ngon thường chỉ khoảng từ 1 năm tuổi trở lại và nặng chừng dưới 30kg. Bởi những con bê lớn tuổi thì thịt sẽ rất dai. Phần thịt ngon nhất của bê chính là phần thịt đùi vừa trắng, vừa thơm, vừa mềm nhưng cũng rất chắc. Bê thui Cầu Mống chủ yếu ăn cỏ ở đồi nên thịt rất ngọt, ngon, còn bê ở những nơi khác có khi ăn cả lá này lá kia nên thịt bị đỏ kè, ăn có vị chát”.

Đối với những thực khách lần đầu được thưởng thức món bê thui Cầu Mống, chắc hẳn ai nấy cũng đều cảm thấy bị kích thích cả thị giác và vị giác, bởi lẽ đĩa bê thui được thái rất đều tay, trang trí đẹp mắt, lại có vị ngon lạ miệng không thể cưỡng lại được. 

Anh Hoàng Văn Nam, một thực khách đến từ Hà Nội lần đầu thưởng thức món bê thui Cầu Mống chia sẻ: “Tôi đã được nghe bạn bè giới thiệu rất nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi thưởng thức món ăn này. Hương vị rất tuyệt vời, thịt bê thơm, mềm và ngọt hơn hẳn thịt bê ở những nơi khác. Cả gia đình tôi đều rất thích món ăn này”.

Đồ ăn kèm của bê thui Cầu Mống cũng rất phong phú và đa dạng với nhiều loại rau sống, trong đó đặc biệt nhất là rau trà quế với những lá rau tươi, xanh mát - đặc trưng của vùng đất Hội An, chắc chắn sẽ không khiến thực khách thất vọng. Khế chua, chuối cùng dưa chuột được cắt lát mỏng, đu đủ xanh ngâm chua ngọt giúp món ăn tăng thêm hương vị và bớt ngán khi ăn quá nhiều. Vì vậy, những loại rau này được coi là một phần không thể thiếu khi thưởng thức món bê thui Cầu Mống.

leftcenterrightdel
 Miếng thịt bê ngọt mềm, không bị ám khói hòa quyện cùng những loại rau sống đi kèm tạo nên vị ngon khác biệt mà không món ăn nào có được.

Bên cạnh đó, cũng sẽ rất thiếu sót nếu như không nhắc đến mắm cá cơm thượng hạng dùng để chấm khi thưởng thức bê thui Cầu Mống. Thịt bê thui cùng rau dù có tươi, ngon đến mấy nhưng nếu chén mắm cá được pha một cách cẩu thả thì cũng khó có thể mời thực khách quay trở lại quán lần thứ hai. Chính vì vậy, dù là 10 năm hay 20 năm nữa, các quán bê thui xứ Quảng vẫn tuân thủ những nguyên tắc pha mắm chấm cổ điển.

Vẫn là hương vị quen thuộc, đậm đà của biển khơi nhưng quy trình pha mắm được thực hiện tỉ mỉ, công phu hơn, độ mặn được giảm bớt, một số gia vị, gia giảm được thêm vào để sẵn sàng lôi kéo những vị khách khó tính nhất quay trở lại. Những người dân địa phương cũng chia sẻ, nếu thiếu đi mắm cá cơm thượng hạng thì món ăn sẽ bị giảm độ ngon đi một nửa. Mắm đạt chuẩn là mắm có vị mặn vừa phải, có vị chua dịu của chanh cùng vị ngọt thanh của đường, kết hợp với chút cay nồng của những trái ớt. 

Muốn thưởng thức hương vị món đặc sản Đà Nẵng này một cách trọn vẹn, du khách cần phải ăn đúng chuẩn theo cách ăn của người dân địa phương nơi đây. Đó là trước khi ăn, hãy nhớ vắt nước cốt chanh lên trên bề mặt miếng thịt. Sau đó, xếp theo thứ tự từ các loại rau sống, những lát chuối xanh, những miếng đu đủ rồi miếng bê thui lên trên miếng bánh tráng rồi cuộn thật chặt tay, chấm vào chén nước mắm cá cơm đã được pha sẵn.

leftcenterrightdel
 Tiếng lành đồn xa, đến thời điểm hiện tại, món bê thui đã trở thành món đặc sản hấp dẫn thu hút du khách.

Miếng thịt bê ngọt mềm, không bị ám khói hòa quyện cùng những loại rau sống đi kèm tạo nên vị ngon khác biệt mà không món ăn nào có được. Càng nhai lâu, miếng thịt bê càng tan dần trong miệng, vị ngọt của thịt kết hợp với vị mặn của nước mắm cùng vị tươi mát của những lát rau sống lan tỏa từ lưỡi xuống phần cổ họng, kích thích mạnh mẽ vị giác của thực khách. Sau khi thưởng thức món bê thui Cầu Mống, chắc chắn du khách sẽ không thể quên được hương vị tự nhiên của nó và muốn thử lại nhiều lần nữa khi đặt chân đến Đà Nẵng. 

Tiếng lành đồn xa, đến thời điểm hiện tại, món bê thui đã trở thành món đặc sản hấp dẫn thu hút du khách, nó xuất hiện ở rất nhiều địa phương trên cả nước. Thế nhưng, hương vị thơm ngon đặc trưng của bê thui Cầu Mống thì không một nơi nào có thể trộn lẫn. 

Theo Báo Công luận