|
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại trạm xét nghiệm nhanh COVID-19 ở Khu phức hợp Thể thao Jassmil, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin Reuters, số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính đến 16/4, quốc gia này ghi nhận 141 ca tái dương tính với SARS-CoV-2.
Giới chuyên gia nhận định có 3 nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng này bao gồm tái nhiễm, tái phát và hạn chế trong xét nghiệm.
Mặc dù tái nhiễm là khả năng đáng lo ngại nhất, song cả KCDC và các chuyên gia đều nói rằng khả năng này là không thể. Thay vào đó, KCDC cho biết họ nghiêng về khả năng “tái phát” hoặc virus “tái kích hoạt”.
Tái phát là trường hợp một phần của virus tạm ngưng hoạt động trong một thời gian hoặc một số bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, từ đó tạo điều kiện cho virus hồi sinh trong cơ thể.
Trong một nghiên cứu gần đây do các bác sĩ tại Trung Quốc và Mỹ thực hiện, virus SARS-CoV-2 có khả năng phá hủy tế bào T (T lymphocyte) - tế bào đóng vai trò trung tâm trong hệ miễn dịch của người và có khả năng đối phó với lây nhiễm.
Kim Jeoing-ki, một nhà nghiên cứu chuyên về virus tại Đại học Dược Hàn Quốc, so sánh tình trạng bệnh tái phát sau khi điều trị khỏi giống như hành động ấn một chiếc lò xo.
“Khi bạn ấn một chiếc lò xò, nó xẹp xuống, nhưng khi thả tay ra, lò xò nảy lại như cũ”, chuyên gia giải thích.
Tuy nhiên, ngay cả khi nguyên do bệnh nhân tái phát bệnh nhiều hơn khả năng tái nhiễm, thì đây cũng là một dấu hiệu đặt ra những thách thức mới trong cuộc chiến ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
“Giới chức Y tế Hàn Quốc vẫn chưa phát hiện được trường hợp bệnh nhân ‘tái phát’ lây virus sang cho bên thứ ba, nhưng nếu như việc lây nhiễm được chứng minh, đấy sẽ là vấn đề nghiêm trọng”, ông Seol Dai-wu – chuyên gia phát triển vaccine đồng thời là giáo sư giảng dạy tại Đại học Chung-Ang – nhận định.
Một số nhà nghiên cứu chỉ ra một nguyên nhân khác dẫn tới xuất hiện các ca dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 là do hạn chế của công nghệ xét nghiệm.
Bệnh nhân mắc COVID-19 tại Hàn Quốc được tính là khỏi bệnh khi hai lần xét nghiệm nhận kết quả âm tính trong 48 giờ đồng hồ.
Trong khi kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR của Hàn Quốc nhìn chung được đánh giá là chính xác, các chuyên gia cho rằng vẫn có sai số và xét nghiệm có thể trả sai kết quả, hay kết quả không đồng nhất đối với một nhóm nhỏ bệnh nhân.
“Kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR được giới thiệu có độ chính xác lên tới 95%. Điều đó có nghĩa là vẫn còn 2-5% trường hợp ra kết quả sai”, nhà nghiên cứu Kim nói.
“Bộ xét nghiệm sẽ khó phát hiện ra những phần sót lại của virus trong cơ thể người ở mức độ thấp”, Giáo sư Seol giải thích.
Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp ngày 14/4, ông Kwon Jun-wook - Phó Giám đốc KCDC – cho rằng công nghệ xét nghiệm cũng có thể quá nhạy, nhầm những loại virus vô hại khác và ra kết quả dương tính, mặc dù bệnh nhân đã hồi phục.
Eom Joong-sik, Giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Gachon, chỉ ra kết quả xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng nếu như các mẫu xét nghiệm không được lấy đúng cách.
Tính đến sáng 17/4, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.635 ca mắc COVID-19, trong đó có 230 người tử vong.