|
|
Nhân viên xử lý thi thể người mắc COVID-19 phải mặc đồ bảo hộ y tế để tránh lây nhiễm chéo. Ảnh: AFP |
Theo báo Anh Dailymail, đây là trường hợp lây nhiễm từ thi thể người bệnh đầu tiên trên thế giới.
Ttrong bức thư đăng ngày 20/3 của hai nhà khoa học Won Sriwijitalai làm việc tại Trung tâm Y khoa RVT Bangkok và Viroj Wiwanitkit tại Đại học Patil (Ấn Độ) trên Tạp chí Pháp y và Pháp lý, họ cảnh báo nhân viên khám nghiệm tử thi phải bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm.
Nam nhân viên pháp y tử vong là một trong hai nhân viên y tế Thái Lan mắc COVID-19 tại thời điểm đó. Theo hai nhà khoa học trên, vì phần lớn các ca mắc bệnh tại Thái Lan là trường hợp từ nước ngoài trở về và rất ít dấu hiệu lây nhiễm trong cộng đồng, nên nguy cơ nhân viên pháp y tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus còn sống là thấp. Trong khi đó, nhân viên này tiếp xúc với thi thể người bệnh và đây có thể là nguồn lây bệnh.
Hai nhà khoa học khuyến cáo các nhân viên pháp y phải đeo thiết bị bảo vệ gồm bộ đồ bảo hộ, găng tay, kính che, mũ và khẩu trang khi làm việc. Quy trình khử trùng tại phòng phẫu thuật cũng cần được áp dụng trong các cơ sở pháp y.
Dựa trên con số thống kê của trang worldometers.info, tính đến chiều 15/4, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 2.643 ca mắc COVID-19, trong đó có 43 người tử vong.
Con đường lây lan chính từ người sang người của virus SARS-CoV-2 là qua tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng kêu gọi những người làm nhiệm vụ xử lý thi thể người bệnh phải thật cẩn thận vì cho đến giờ, giới khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ phương thức virus SARS-CoV-2 lây lan cũng như loại virus này có thể sống sót bao lâu trong thi thể.
Ebola là loại virus có thể lây nhiễm từ thi thể người bệnh sang người sống. Chính vì vậy, đối với bệnh nhân mắc Ebola, thi thể thường được chôn cất ngay lập tức.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo mọi người phải mặc đồ bảo hộ khi di chuyển thi thể các nạn nhân nhiễm virus.
“Không chỉ nhân viên khám nghiệm tử thi, mà kỹ thuật viên nhà xác và những người làm việc tại nhà tang lễ cũng cần phải cẩn thận hơn. Đây là một mối lo ngại thực sự”, ông Angelique Corthals, Giáo sư bệnh lý học tại Đại học Tư pháp hình sự John Jay trực thuộc Đại học Thành phố New York (Mỹ) cho biết.
“Bất kỳ ai tiếp xúc với cơ thể người mắc COVID-19, dù người đó còn sống hay đã chết, cần thiết bị bảo hộ cá nhân để tránh bị phơi nhiễm”, chuyên gia chính sách y tế Summer Johnson McGee làm việc tại Đại học New Haven khuyến cáo.
Nhiều quốc gia trên thế giới thông báo thu hẹp quy mô tổ chức tang lễ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khi tụ tập đông người.