Tiến trình hòa bình nguy cơ đổ vỡ!

Hôm 24/8, lực lượng chính phủ Ethiopia cho biết, giao tranh đã nổ ra xung quanh thị trấn Kobo, chấm dứt lệnh ngừng bắn duy trì nhiều tháng.

“Vào lúc 5h sáng hôm nay TPLF đã tấn công vào Mặt trận phía Đông, từ hướng Bisober, Zobel và Tekulshe ... phá vỡ lệnh ngừng bắn.”, cơ quan truyền thông của Chính phủ Ethiopia cho biết trong một tuyên bố.

Cuộc giao tranh là một đòn giáng mạnh vào kỳ vọng từ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed và TPLF, đảng chính trị kiểm soát phần lớn khu vực Tigray.

leftcenterrightdel
 Binh sĩ Chính phủ Ethiopia gần Agula, phía bắc Mekele, thủ phủ vùng Tigray, miền bắc Ethiopia, trong một bức ảnh chụp vào tháng 5/2021. Ảnh: Ben Curtis / AP.

Cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau phá hoại nỗ lực giải quyết hòa bình cuộc chiến tàn khốc kéo dài 21 tháng ở quốc gia đông dân thứ hai châu Phi, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đẩy nhiều vùng của Tigray rơi vào nạn đói.

Một ngày trước đó, khi phương tiện truyền thông xã hội rộ lên những thông tin việc lực lượng quân đội Chính phủ đang chuyển quân, quân đội đã cáo buộc lực lượng Tigrayan dọn đường tấn công và tạo dựng lý do bằng cách tung tin giả về các hoạt động di chuyển của quân đội.

Đáp lại, chỉ huy quân sự của lực lượng Tigrayan cáo buộc Chính phủ vi phạm lệnh ngừng bắn, cho rằng, cuộc tấn công gần Kobo, phía nam Tigray, là động thái nhằm đánh lạc hướng để thực hiện một cuộc tấn công lớn từ phía tây.

Trong tuyên bố với cộng đồng quốc tế, lãnh đạo TPLF, Debretsion Gebremichael, cho biết, “Tiến trình hòa bình đang được thiết lập để phá sản”.

leftcenterrightdel
 Vùng Tigray, Ethiopia (xanh đậm) giáp biên giới với Sudan và Eritrea, nơi xảy ra xung đột. Nguồn: cfr.org.

Cư dân xung quanh Kobo cho biết đã nghe thấy âm thanh của vũ khí hạng nặng từ sáng sớm, tuy nhiên không biết bên nào đã khơi mào xung đột. 

Xung đột vũ trang nổ ra ở vùng Tigray, Ethiopia vào tháng 11/2020, giữa lực lượng đặc biệt Vùng Tigray do TPLF lãnh đạo với Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Ethiopia liên minh với các lực lượng đặc biệt của Vùng Amhara, sau đó lan sang các vùng lân cận Afar và Amhara một năm trước. 

Xung đột bắt nguồn từ việc Thủ tướng Abiy Ahmed, được bổ nhiệm 4/2018, người chủ trương cải cách chính trị và kinh tế rộng lớn, tìm cách điều chỉnh nền chính trị của đất nước loại bỏ chủ nghĩa liên bang sắc tộc, một hệ thống chính trị chia sẻ quyền lực dựa trên sắc tộc vốn mang lại quyền kiểm soát khu vực cho các nhóm dân tộc, một trong số đó là người thiểu số Tigray.

leftcenterrightdel
 Xung đột ở vùng Tigray của Ethiopia đã khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Ảnh: Giulia Paravicini/Reuters. 

Bằng cách hợp nhất các khu vực và các đảng dân tộc bởi Mặt trận Dân chủ Cách mạng Nhân dân Ethiopia (do TPLF làm nòng cốt), vốn đã cai trị Ethiopia trong 30 năm, thành Đảng Thịnh vượng với ảnh hưởng lan rộng trên toàn quốc, Abiy đã đe dọa quyền lực của TPLF, một lực lượng quân sự và chính trị, đại diện cho nhiều dân tộc chiếm khoảng 6% dân số.

TPLF từ chối gia nhập đảng mới, tạo ra căng thẳng giữa hai bên.

Tháng 11 năm ngoái, lực lượng Tigrayan đã hành quân đến Addis Ababa, uy hiếp thủ đô đất nước, nhưng đã bị đánh lui bởi một cuộc tấn công của Chính phủ ngay trong tháng.

Một lệnh ngừng bắn đã được công bố vào tháng 3 sau khi cả hai bên giằng co trong thế bế tắc và Chính phủ tuyên bố ngừng bắn nhân đạo, cho phép viện trợ lương thực khẩn cấp vào khu vực.

leftcenterrightdel
 Người dân Ethiopia xếp hàng để dùng bữa tại trại tị nạn Um Rakuba trên biên giới Sudan-Ethiopia. Ảnh: Reuters.

Vào tháng 6, Chính phủ của Thủ tướng Abiy đã thành lập một ủy ban để đàm phán với TPLF. Đầu tháng 8, Chính phủ cho biết mong muốn các cuộc đàm phán không có điều kiện tiên quyết. Trong khi chính quyền Tigray đã kêu gọi khôi phục các dịch vụ thiết yếu cho dân thường trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. 

Tigray đã không có các dịch vụ viễn thông và ngân hàng kể từ khi quân đội rút đi vào cuối tháng 6. Nhập khẩu nhiên liệu bị hạn chế, phân phối viện trợ cũng bị giới hạn.

Liên Hợp Quốc cho biết, gần 90% người dân trong khu vực Tigray cần viện trợ, đồng thời cảnh báo tỉ lệ suy dinh dưỡng tại đây đã tăng vọt, chiếm 29% trẻ em và 2,4 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn bởi đang bước vào thời kỳ giáp hạt.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng bắn lập tức

Hôm 24/8, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ sốc trước tình huống bạo lực tái bùng phát ở Tigray; đồng thời kêu gọi chấm dứt lập tức các hành vi thù địch, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, cho phép tiếp cận nhân đạo đầy đủ và thiết lập lại các dịch vụ thiết yếu trong khu vực.

Người đứng đầu Ủy ban Liên minh châu Phi, Moussa Faki Mahamat, kêu gọi "giảm leo thang" và nối lại "các cuộc đàm phán để tìm kiếm một giải pháp hòa bình".

leftcenterrightdel
 Người dân di tản do xung đột xếp hàng chờ nhận lương thực tại một nơi trú ẩn tạm thời ở Shire, vùng Tigray ngày 15/3/2021. Ảnh CNS / Baz Ratner, Reuters.

Đặc phái viên vùng Sừng châu Phi của Liên minh châu Phi (AU), ông Olusegun Obasanjo, đã hối thúc cộng đồng quốc tế chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 21 tháng ở miền bắc Ethiopia giữa lực lượng nội dậy Tigrayan và quân chính phủ.

Tuần trước, Chính phủ Ethiopia đã kêu gọi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn chính thức ở Tigray càng sớm càng tốt, để có thể nối lại các dịch vụ cơ bản cho khu vực phía bắc đang trong tình trạng chiến tranh.

Chính phủ muốn đặc phái viên AU Obasanjo dẫn dắt bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào nhưng TPLF đã từ chối hòa giải của Obasanjo. 

leftcenterrightdel
 Người tị nạn Ethiopia ở đông Sudan phản đối chiến tranh. Ảnh: Hussein Ery/ AFP.

Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi chính phủ Ethiopia và TPLF nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Hàng nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ethiopia. Xung đột đã lắng dịu trong những tháng gần đây trong bối cảnh các nỗ lực hòa giải diễn ra chậm chạp. Nhưng tuần trước, người phát ngôn của Thủ tướng Abiy Ahmed khẳng định với báo giới, chính quyền Tigray từ chối chấp nhận các cuộc đàm phán hòa bình.

Văn Phong/Reuters, Aljazeera