Chiều ngày 5/8, trong bài phát biểu trên truyền hình trước quốc dân, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, tướng Waker-Uz-Zaman tuyên bố, Thủ tướng nước này Sheikh Hasina đã từ chức; cho biết một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập.

Bà Hasina (SN 1947), người đã cai trị đất nước trong gần hai thập kỉ, được nói đã lên một chiếc trực thăng quân sự vào ngày 5/8, sau khi đám đông bất chấp lệnh giới nghiêm toàn quốc, xông vào dinh thự của bà ở thủ đô Dhaka.

Kênh truyền hình CNN News 18 cho biết, máy bay chở bà Hasina đã hạ cánh tại Agartala, thủ phủ bang Tripura, đông bắc Ấn Độ, bên kia biên giới phía đông của Bangladesh.

Trong khi truyền thông Ấn Độ đưa tin, một máy bay của Không quân Bangladesh chở bà Hasina đã hạ cánh tại căn cứ Không quân Hindon ở Ghaziabad, ngay phía đông New Delhi.

leftcenterrightdel
 Bà Sheikh Hasina. Ảnh: @altaf72shah.

Bangladesh đã bị nhấn chìm trong các cuộc biểu tình và bạo lực, sau khi cuộc biểu tình của sinh viên vào tháng trước phản đối chương trình hạn ngạch việc làm gây tranh cãi của chính phủ.

Chính phủ đã phản ứng bằng cách đóng cửa các trường đại học và sử dụng cảnh sát, quân đội để đàn áp những người biểu tình.

Đụng độ đã khiến ít nhất 150 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương.

Chính phủ đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc vô thời hạn bắt đầu từ 18h ngày 4/8, cắt đứt quyền truy cập vào điện thoại và internet, đồng thời thông báo nghỉ lễ quốc gia 3 ngày, bắt đầu từ 5/8.

Vào cuối tuần, đã có các cuộc tấn công, đốt phá nhắm vào các tòa nhà chính phủ, văn phòng của đảng Liên đoàn Awami (AL) cầm quyền, các đồn cảnh sát,.. theo truyền thông địa phương.

leftcenterrightdel
 Một người đàn ông bị thương trong cuộc đụng độ với cảnh sát, tại thủ đô Dhaka, Bangladesh, ngày 4/8. Ảnh: Reuters/Stringer.

Bạo lực đã được báo cáo ở 39 trong số 64 quận huyện của đất nước khiến gần 100 người thiệt mạng, chỉ trong ngày 4/8, bao gồm ít nhất 13 cảnh sát.

Hệ thống đường sắt và nhiều nhà máy ở Bangladesh cho biết, họ đã tạm dừng hoạt động vô thời hạn do tình hình bạo lực leo thang.

Những người chỉ trích bà Hasina, cùng với các nhóm nhân quyền, đã cáo buộc chính phủ của bà sử dụng vũ lực quá mức đối với người biểu tình, điều mà bà và nội các phủ nhận.

Bà Hasina cho rằng, những kẻ tiến hành biểu tình bạo lực không phải là sinh viên mà là ‘những kẻ khủng bố’ đang tìm cách gây bất ổn cho đất nước.

Trước tình hình các cuộc biểu tình vẫn diễn tiến nóng, Tòa án tối cao Bangladesh đã phán quyết rằng, hạn ngạch gây tranh cãi nên được điều chỉnh tăng tỉ lệ ưu đãi.

leftcenterrightdel
 Người dân đổ ra đường tại thủ đô Dhaka sau khi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức, ngày 5/8. Ảnh: Reuters /Mohammad Ponir Hossain.

Tuy vậy phong trào biểu tình đã nhanh chóng leo thang thành một cuộc nổi dậy chưa từng có trên toàn quốc đòi bà Hasina (người đã giành chiến thắng nhiệm kì thứ 5 vào tháng 1 trong một cuộc bầu cử bị phe đối lập tẩy chay) từ chức và chịu trách nhiệm về những người thiệt mạng.

Ngày 5/8, các nhà hoạt động sinh viên đã kêu gọi tuần hành đến thủ đô Dhaka, bất chấp lệnh giới nghiêm để gây sức ép buộc bà Hasina từ chức.

AFP dẫn nguồn tin cảnh sát địa phương nói, ít nhất 20 người đã thiệt mạng ở Dhaka trong ngày 5/8, khi những người biểu tình xông vào các dinh thự, nâng tổng số người chết trong cuộc bạo lực lên gần 300 người, kể từ tháng 7.

Vốn nhiều năm dưới chế độ quân sự cai trị vào những năm 1970 và 1980 sau cuộc chiến giành độc lập năm 1971, người dân Bangladesh có tâm lí lo ngại về nguy cơ chế độ này một lần nữa quay trở lại.

leftcenterrightdel
 Người dân bày tỏ thiện chí với các quân nhân trên đường phố Dhaka, Bangladesh, ngày 5/8, sau khi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức. Ảnh: Reuters /Mohammad Ponir Hossain.

Tướng Zaman (SN 1966), người mới nhậm chức Tổng tư lệnh quân đội vào ngày 23/6, đã cố gắng trấn an người dân; gọi đây là thời điểm ‘cách mạng’, cho biết, ông đã có các cuộc thương thảo hiệu quả với lãnh đạo tất cả các đảng phái chính trị lớn và sẽ sớm có cuộc gặp với Tổng thống Mohammed Shahabuddin, để thảo luận về các bước đi tiếp theo.

Ông Zaman kêu gọi người dân kiên nhẫn, hợp tác và tin tưởng vào quân đội; nhấn mạnh quân đội sẽ mang lại hòa bình cho đất nước.

leftcenterrightdel
 Tuyên bố của tướng Zaman về việc Thủ tướng Hasina từ chức / IANS.

“Tôi yêu cầu tất cả các bạn hãy kiên nhẫn, cho chúng tôi thời gian và cùng nhau chúng ta sẽ giải quyết mọi vấn đề. Xin đừng tiếp tục con đường bạo lực.”, ông Zaman nói; đảm bảo rằng, công lí sẽ được thực thi cho mọi cái chết và tội ác xảy ra trong các cuộc biểu tình.

Hình ảnh truyền hình cho thấy hàng ngàn người đổ ra đường phố thủ đô Dhaka ăn mừng sau thông báo của tướng Zaman, trong khi hàng ngàn người tràn vào dinh thự Thủ tướng, một số lấy đi ti vi, bàn ghế từ một trong những tòa nhà vốn được bảo vệ nghiêm ngặt.

leftcenterrightdel
 Hàng ngàn người dân đổ ra đường ở thủ đô Dhaka, , ngày 5/8, sau khi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức. Ảnh: Reuters /Mohammad Ponir Hossain.

Phản ứng về sự kiện, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi các bên kiềm chế bạo lực và khôi phục tình hình sớm nhất có thể; đồng thời hoan nghênh thông báo về một chính phủ lâm thời.

“Đã mất quá nhiều sinh mạng. Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và đau buồn về các báo cáo về thương vong trong suốt những tuần qua.”, người phát ngôn Nhà Trắng bày tỏ.

LHQ kêu gọi “bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời hối thúc tất cả các bên tôn trọng quyền tự do hội họp và bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.”, người phát ngôn của Tổng thư kí LHQ Farhan Haq nói, kêu gọi lực lượng an ninh bảo vệ những người trên đường phố Dhaka và các thành phố khác của Bangladesh.

Bà Irene Khan, báo cáo viên đặc biệt của LHQ, cho biết, quân đội đang phải đối mặt với một nhiệm vụ rất khó khăn.

“Chúng tôi đang hi vọng rằng quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra trong hòa bình và sẽ có trách nhiệm giải trình cho mọi hành vi vi phạm nhân quyền đã xảy ra.”, bà Khan nói.

Văn Phong (theo Reuters)