Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có chuyến thăm Nga hôm 29/9 và có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen của Nga.

Tháp tùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có người đứng đầu Tổ chức Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) Hakan Fidan, Giám đốc Truyền thông Phủ Tổng thống Fahrettin Altun và Người phát ngôn của Tổng thống Ibrahim Kalın.

Theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti, trong cuộc gặp thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo của hai nước đã thảo luận về cả quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, gồm tình hình ở Syria, Libya, Afghanistan và Caucasus.

Tổng thống Nga Putin lưu ý, các cuộc đàm phán giữa Moscow và Ankara đôi khi rất khó khăn, nhưng các bên đã có cách tìm ra các thỏa hiệp, vì vậy kết quả cuối cùng vẫn khả quan.

Một trong những chủ đề được hai lãnh đạo đề cập là việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn bắt đầu được xây dựng vào tháng 4/2018, với sự tham gia của Rosatom, Nga.

leftcenterrightdel
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Sochi, Nga, ngày 29/9. Ảnh: AFP. 

Cuộc hội đàm dài khoảng 3 giờ. Đối với ông Putin, đây trở thành sự kiện giao tiếp trực tiếp và công khai đầu tiên sau thời gian ông tự cách ly do tiếp xúc với phụ tá nhiễm COVID-19. 

Trong vấn đề Syria, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc kiềm chế bạo lực gia tăng ở Tây Bắc Syria và khả năng Moscow bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Ankara, bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ trước cuộc gặp, nói, ông Erdogan sẽ thúc ép ông Putin quay trở lại lệnh ngừng bắn đã đồng ý vào năm ngoái để chấm dứt cuộc tấn công của quân đội Nga và Syria nhằm vào các nhóm đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở khu vực Idlib, Syria.

"Các bước chúng ta thực hiện cùng nhau liên quan đến Syria có tầm quan trọng lớn. Hòa bình tại nước này phụ thuộc vào mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga.", ông Erdogan nói khi bắt đầu cuộc hội đàm.

Trong khi đó, ông Putin cho rằng, đây là một trong những lĩnh vực mà hai nước hợp tác khá thành công; nhấn mạnh quan điểm hai nước có thể vượt qua những khác biệt thông qua đối thoại.

leftcenterrightdel
Nga giao lô hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7/2019 tại sân bay quốc tế  Murted ở Ankara. Ảnh: BQP Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tổng thống Nga cũng đề cập đến việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh, nhìn nhận, đó là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì lệnh ngừng bắn và đảm bảo hòa bình lâu dài trong khu vực.

Ngoài ra, theo ông Putin, sự hợp tác của Moscow với Ankara về Syria và Libya cũng đang tiến triển thành công.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, công việc nhằm thực hiện thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trước đó về Syria vẫn đang được tiếp tục, bao gồm cả các cuộc tuần tra chung; lưu ý, đã có một cuộc pháo kích lớn của những kẻ khủng bố ở khu vực Idlib.

Moscow lưu ý, các lực lượng Nga đang ở Syria là theo lời mời chính thức của Tổng thống nước này Bashar Assad và sự hiện diện của các lực lượng khác đang cản trở nỗ lực của Damascus trong mục tiêu thống nhất và tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Vào tháng 3 năm ngoái, các lực lượng trên bộ và không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga và Syria khiến 1 triệu người phải di tản, đưa Ankara và Moscow tiến gần đến đối đầu trực tiếp và đe dọa một làn sóng di cư khác vào Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang tiếp nhận 3,6 triệu người tị nạn Syria. Do bạo lực ngày càng leo thang, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động Chiến dịch Lá chắn Mùa xuân ở Idlib.

leftcenterrightdel
Mô hình máy bay chiến đấu TF của Thổ Nhĩ Kỳ với biên chế vũ khí "cây nhà lá vườn" hiện đại, dự án có khả năng có sự tham gia hợp tác của Nga. Ảnh: Defenceturkey. 

Nga tham gia cuộc xung đột ở Syria vào tháng 9/2015, khi quân đội của ông Assad gần như sắp sụp đổ. Moscow đã giúp lật ngược thế cờ có lợi cho ông Assad, lực lượng hiện kiểm soát phần lớn đất nước. Hàng trăm binh sĩ Nga được triển khai trên khắp lãnh thổ Syria cùng với một căn cứ quân sự hùng hậu dọc theo bờ biển Địa Trung Hải của Syria.

Trong vài năm qua, các máy bay chiến đấu của Nga đã nhắm mục tiêu vào các khu vực dưới sự kiểm soát của phe đối lập Syria, do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Tuy nhiên, bất chấp là đối thủ của nhau ở Syria cũng như trong các cuộc xung đột ở Libya và Nagorno-Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tăng cường hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực năng lượng, du lịch và quốc phòng.

Thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã mua các tổ hợp tên lửa S-400 của Nga vào năm 2019, gây ra các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các ngành công nghiệp quốc phòng của nước này và cảnh báo từ Washington về những hành động tiếp theo nếu nước này mua thêm thiết bị qua sự Nga. Ankara cũng có ý định hợp tác với Nga trong việc phát triển trong Dự án máy bay chiến đấu quốc gia thế hệ thứ năm TF của nước này (trước đây gọi là TF-X).

Ông Erdogan tuần trước cho biết Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên định việc mua lô S-400 thứ hai từ Nga, nhấn mạnh đó là quyền tự quyết của Ankara.

Huy Anh/RIA, DS