Ngày 7/5, Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa cho biết, Damascus đang đàm phán gián tiếp với Israel thông qua các bên trung gian.

Ông al-Sharaa nói rằng, chính phủ chuyển tiếp của ông đã tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp với Israel, nhằm nỗ lực xoa dịu căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia láng giềng.

Thông báo này được đưa ra sau khi Israel leo thang các cuộc tấn công vào Syria vào tuần trước, bao gồm cuộc tấn công ngày 2/5 vào vị trí chỉ cách dinh Tổng thống ở Damascus 500m.

Israel tuyên bố, các cuộc không kích gần đây nhất của nước này là để đáp trả những gì họ mô tả là mối đe dọa đối với cộng đồng người Druze thiểu số của nước này.

“Có những cuộc đàm phán gián tiếp với Israel thông qua các bên trung gian để xoa dịu và cố gắng giải quyết tình hình tránh dẫn đến tình huống cả hai bên mất kiểm soát.”, ông al-Sharaa cho biết, đồng thời lặp lại chỉ trích Israel “can thiệp tùy tiện” vào Syria.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Syria al-Sharaa phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Paris với người đồng cấp Pháp Macron sau cuộc hội đàm tại Điện Elysee, ngày 7/5. Ảnh: Stephanie Lecocq/Reuters/ Aljazeera.

Tổng thống lâm thời Syria cũng cho biết, Damascus đang đàm phán với các quốc gia có quan hệ với Israel để gây sức ép buộc họ ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Syria và ném bom một số cơ sở hạ tầng của nước này.

Hiện vẫn chưa có bình luận gì từ phía chính quyền Israel.

Những phát biểu của ông al-Sharaa được đưa ra trong chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Paris, chuyến đi đầu tiên của ông tới một quốc gia châu Âu kể từ khi nhậm chức, sau khi ông chỉ huy các chiến binh đối lập, trong một cuộc tấn công chớp nhoáng lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Bashar al-Assad vào tháng 12 năm ngoái.

Chuyến thăm này cần có sự miễn trừ đặc biệt từ Liên Hợp Quốc, vì ông al-Sharaa vẫn đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế do vai trò trước đây của ông là thủ lĩnh của nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS), từng có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Trong buổi họp báo chung tại Paris sau cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron, ông al-Sharaa kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế kinh tế đối với Syria, tuyên bố: “Không có lý do gì để biện minh cho việc duy trì các lệnh trừng phạt vốn áp dụng đối với chế độ trước đây ở Syria”.

leftcenterrightdel
 Ông Macron và ông al-Sharaa trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp tại Điện Elysee ở Paris, ngày 7/5.  Ảnh: Stephanie Lecocq/AFP.

Tổng thống Pháp Macron cho biết, Paris sẽ cân nhắc thúc đẩy việc dỡ bỏ dần lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), sau đó là vận động đối tác Mỹ làm theo, nếu Syria tiếp tục theo con đường hiện tại hướng tới một chế độ dân chủ, hòa hợp dân tộc.

EU đã dỡ bỏ một số hạn chế, trong khi các biện pháp khác nhắm vào cá nhân và tổ chức sẽ hết hạn vào ngày 1/6. Việc nới lỏng lệnh trừng phạt trong các lĩnh vực như dầu mỏ, khí đốt, điện và giao thông rất quan trọng đối với Syria, nơi Ngân hàng Thế giới ước tính việc tái thiết đất nước có thể cần đến hơn 250 tỷ đô la.

Mặc dù vậy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tỏ ra dè dặt trong cách tiếp cận với chính quyền mới ở Syria.

Tổng thống Pháp Macron tiết lộ, ông đang hối thúc Mỹ hoãn kế hoạch rút quân khỏi Syria, với lý do việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt nên được ưu tiên như một bước hướng tới đảm bảo sự ổn định lâu dài.

Theo phóng viên Natacha Butler của Al Jazeera từ Paris, ông Macron mong đợi chính phủ mới ở Syria sẽ bảo vệ các nhóm dân tộc thiểu số, đảm bảo sự ổn định và trấn áp các tổ chức khủng bố, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), điều sẽ giúp tạo ra hình ảnh đáng tin cậy cho các đồng minh Phương Tây của Pháp, vốn vẫn còn nghi ngại và đang chờ xem ban lãnh đạo mới ở Syria sẽ đi theo hướng nào.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh một căn cứ không quân của Syria bị phá hủy trong các cuộc không kích của Israel ngày 10/12/2024. Nguồn: DrEliDavid.

Ngay sau khi HTS và các nhóm chiến binh đối lập do al-Sharaa lãnh đạo kiểm soát thủ đô Damascus, nắm quyền ở Syria, Israel đã đã điều động xe tăng qua biên giới vào vùng đệm với Syria, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự cũ là di sản của Tổng thống al-Assad, nhằm mục đích vô hiệu hóa các mối đe dọa, đảm bảo an ninh của nước này.

Động thái của Israel khiến Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia phản ứng, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, láng giềng phía Bắc của Syria và là nước hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập ở Syria thời chế độ của Tổng thống al-Assad.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đề cập diễn biến tình hình ở Syria; nói rằng, Ankara đang nỗ lực bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria và đảm bảo sự ổn định của nước này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực của Mỹ, nhằm nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria để đóng góp vào tiến trình này.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng, một đất nước Syria ổn định sẽ hỗ trợ cho hòa bình khu vực và toàn cầu.

Văn Phong/Aljazeera