Ngày 9/12, phát biểu trước tình hình biến động ở Syria, Tổng thư kí LHQ Antonio Guterres gọi đây là “cơ hội lịch sử” sau 14 năm chiến tranh tàn khốc, để người dân Syria có thể nắm bắt, xây dựng một tương lai ổn định và hòa bình.

Ông Guterres lưu ý, tương lai của Syria là vấn đề do người Syria quyết định và LHQ sẽ tích cực hỗ trợ để đạt được mục tiêu đó.

“Chúng tôi duy trì cam kết hỗ trợ người dân Syria xây dựng một đất nước, nơi hòa giải, công lí, tự do và thịnh vượng thực sự được chia sẻ cho tất cả mọi người.”, người đứng đầu LHQ nói.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhìn nhận, sự kiện là “một ngày lịch sử đối với Trung Đông”, mang đến cơ hội lớn cho đất nước và người dân Syria. Tuy nhiên, ông Netanyahu cũng lưu ý những nguy cơ tiềm ẩn đối với Syria hiện nay, song không đề cập chi tiết.

Ông Netanyahu cho biết, muốn gửi cái bắt tay hòa bình tới tất cả những cộng đồng ở Syria, tới người Druze, người Kurd, người Thiên chúa giáo và người Hồi giáo muốn sống hòa bình với Israel.

Ngày 8/12, ngay sau khi quân nổi dậy tuyên bố kiểm soát Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ lấy làm tiếc khi tiến trình Astana (thiết lập tháng 1/2017 theo sáng kiến của ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đưa các bên xung đột tại Syria ngồi vào bàn đàm phán) không được tận dụng để sớm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu, để hàng triệu người Syria bị buộc phải rời bỏ nhà cửa có thể trở về quê hương.

“Kể từ sáng nay, người dân Syria đã bắt đầu một ngày mới mà họ sẽ quyết định tương lai của đất nước mình. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đảm nhận bất kì trách nhiệm gì cần thiết để chữa lành vết thương của Syria và đảm bảo sự thống nhất, toàn vẹn và an ninh của nước này. Hi vọng những ngày tốt đẹp hơn đang chờ đợi người dân Syria phía trước.”, ông Erdogan nói, cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nỗ lực cùng với các nước trong khu vực và các chủ thể quốc tế để hướng tới mục tiêu đó.

leftcenterrightdel
Thủ lĩnh nhóm phiến quân HTS Al-Golani. Nguồn: Orient TV/Reuters.

Tổng thống Pháp Macron gửi đến người dân Syria lời chúc hòa bình, tự do và đoàn kết.

Ông Macron tuyên bố, Pháp sẽ duy trì cam kết mục tiêu an ninh ở Trung Đông.

Thủ tướng Anh Keir Starmer “hoan nghênh sự ra đi của ông Assad”; cho biết, cần một giải pháp chính trị tiếp theo cho Syria và London đang làm việc với các đồng minh trong khu vực, đồng thời tiếp tục theo sát tình hình.

Ông Starmer kêu gọi tất cả các bên xung đột mang lại hòa bình và ổn định cho đất nước, bảo vệ dân thường và cộng đồng thiểu số cũng như bảo đảm các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Ngày 9/12, hãng thông tấn IRNA dẫn lời Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho biết, nước này đang theo sát các diễn biến ở Syria và cách tiếp cận của Tehran sẽ phụ thuộc vào chính sách mà các nhóm chiến binh ở quốc gia Ả Rập áp dụng đối với Cộng hòa Hồi giáo.

Theo ông Araqchi, Iran đang chờ đợi xem “kiểu” chính phủ nào sẽ được thành lập tại Syria.

Trường hợp Iran có thể công nhận chính phủ này, dĩ nhiên Tehran sẽ duy trì Đại sứ quán tại Syria với toàn bộ đội ngũ nhân viên hiện tại. 

Ngoại trưởng Araqchi cũng cho biết, Iran đã trao đổi với các bên liên quan ở Syria về việc đảm bảo an ninh cho phái bộ ngoại giao nước này tại Damascus và lãnh sự quán tại Aleppo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ, sự kiện đang mở ra những cơ hội mới cho người dân Syria và cho toàn bộ khu vực.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ, sự kiện ở Syria đang mở ra những cơ hội mới cho người dân nước này và cho toàn bộ khu vực. Ảnh: Reuters/Ken Cedeno .

Theo ông Biden, đây là cơ hội tốt nhất để người Syria xây dựng tương lai của chính họ; cũng là cơ hội cho một Trung Đông an toàn và thịnh vượng hơn.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo, Syria đang phải đối mặt với giai đoạn “rủi ro và bất ổn” và Washington sẽ hỗ trợ bất cứ khi nào có thể để quản lí rủi ro.

Trước câu hỏi Mỹ sẽ làm gì tiếp theo sau diễn biến ở Syria, ông Biden cho biết, Washington sẽ hợp tác với các phe phái Syria, bao gồm các bên trong tiến trình do LHQ bảo trợ, nhằm thiết lập quá trình chuyển đổi hướng tới một Syria độc lập, có chủ quyền.

Mỹ sẽ hỗ trợ đảm bảo sự ổn định ở miền Đông Syria, cũng như bảo vệ nhân sự của nước này tại đây trước mọi mối đe dọa, đồng thời tiếp tục duy trì sứ mệnh chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Washington cũng sẽ hỗ trợ các nước láng giềng của Syria, bao gồm Jordan, Lebanon, Iraq và Israel, trong trường hợp có bất kì mối đe dọa nào phát sinh từ Syria trong giai đoạn chuyển tiếp.

Một quan chức cấp cao của Mỹ lưu ý, nước này không có kế hoạch đưa ra một “bản thiết kế” cho tương lai của Syria. Tương lai ấy sẽ do người dân nước này viết nên.

Mỹ đang theo dõi chặt các tuyên bố từ phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng chính vừa lật đổ Tổng thống Assad mà Washington liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. “Hiện thời, nhóm này đang “nói những điều đúng đắn” nhưng vẫn còn quá sớm để nói điều gì sẽ xảy ra ở Syria.”, quan chức Mỹ nói.

Một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho biết, nước này có thể sẽ duy trì khoảng 900 quân ở miền Đông Syria như một biện pháp phòng ngừa các chiến binh IS.

leftcenterrightdel
 Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi. Ảnh: IRNA.

Ông Biden cho biết, ngày 8/12, lực lượng Mỹ đã tiến hành hàng chục cuộc không kích chính xác trong lãnh thổ Syria nhằm vào các cơ sở thành viên của IS nhằm ngăn chặn nhóm này thừa cơ trỗi dậy.

Ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Syria từ bỏ việc sử dụng bạo lực và giải quyết mọi vấn đề quản trị thông qua các biện pháp chính trị.

“Về vấn đề này, Liên bang Nga đang liên hệ với tất cả các nhóm đối lập ở Syria. Chúng tôi kêu gọi tôn trọng ý kiến của tất cả các lực lượng tôn giáo trong xã hội Syria và ủng hộ các nỗ lực nhất trí thiết lập một tiến trình chính trị toàn diện dựa trên Nghị quyết 2254 đã được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua.”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Nghị quyết 2254 về Syria do Mỹ soạn thảo được Hội đồng bảo an LHQ thông qua ngày 19/12/2015, kêu gọi ngừng bắn và đàm phán chính thức về quá trình chuyển đổi chính trị bắt đầu từ đầu tháng 1/2016, được 5 nước ủy viên thường trực tán thành, bao gồm Nga và Mỹ.

Nghị quyết 2254 của LHQ nêu rõ, người dân Syria mới là người quyết định tương lai của đất nước họ.

Nghị quyết kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công nhằm vào dân thường; kêu gọi thành lập một Chính phủ chuyển tiếp và tổ chức các cuộc bầu cử dưới sự bảo trợ của LHQ.

Nghị quyết cũng kêu gọi LHQ bảo trợ cho tiến trình đối thoại giữa đại diện Chính phủ Syria và các nhóm đối lập dự kiến diễn ra vào đầu năm 2016.

Nghị quyết cũng kêu gọi việc ngừng bắn và đàm phán được tiến hành song song.

Văn Phong (theo Reuters, Sputnik)