Ankara đã cử các quân nhân đến Nga để tham gia khóa huấn luyện về việc sử dụng hệ thống tên lửa phòng thủ S-400, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói với hãng thông tấn TASS.

“Chúng tôi đã cử các chuyên gia đến Nga để trải qua một khóa huấn luyện về việc sử dụng hệ thống S-400, khóa học sẽ bắt đầu từ hôm 22/5 và kéo dài khoảng vài tháng,” Đại tướng Akar cho biết. 

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Mạng truyền hình toàn quốc Kanal 7, Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết Mỹ lo ngại về việc Ankara mua hệ thống S-400 từ Moscow là không hợp lý và cho biết thêm Ankara sẽ không lùi bước.

“Nếu người Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua S-400 thì họ sẽ quyết mua cho bằng được, chúng ta cần phải làm việc hết sức mình vì tổ quốc Thổ Nhĩ Kỳ,” ông Oktay nói với quốc dân đồng bào và toàn thể lực lượng vũ trang qua sóng truyền hình.

Có khoảng 100 quân nhân Thổ Nhĩ sẽ bắt đầu tham gia khóa huấn luyện tại một trung tâm quân sự Nga để vận hành hệ thống S-400.

Sau khi nhóm quân hoàn thành khóa huấn luyện,  Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu triển khai hệ thống vũ khí vào tháng 10, Đại tướng Hulusi Akar xác nhận.

leftcenterrightdel
Hệ thống tên lửa S-400 mà Nga bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TASS 

Đại tướng Hulusi Akar nhắc lại rằng việc mua hệ thống phòng không chính xác của Nga không phải “ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ” mà là “biện pháp bắt buộc.”

Ông nhấn mạnh hệ thống tên lửa đất đối không S-400 là cần thiết để “bảo vệ người dân”.

Hệ thống tên lửa S-400 Triumf là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hiện đại nhất phục vụ Quân đội Nga từ năm 2007. Khí tài được thiết kế để phá hủy máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình/đạn đạo, bao gồm loại tầm trung và có thể chống lại các cơ sở trên mặt đất.

S-400 sử dụng rađa đa chế độ 92N6E đặt trên xe tải MZKT-7930, phiên bản nâng cấp từ 30N6E2 dùng trên S-300, với chất lượng và tầm quan sát được cải thiện đáng kể. 92N6E có nhiệm vụ theo dõi mục tiêu, phân loại các mục tiêu, tính toán tên lửa cần phải phóng và hướng dẫn cho tên lửa định vị mục tiêu.

Việc nâng cấp ra đa dẫn đến việc nâng cấp hệ thống ống truyền tín hiệu nhằm nâng cao hiệu suất và khẩu độ, cùng với việc cải tiến các thiết bị kích thích và khả năng nhảy tần tự động. Ngoài ra, S-400 cũng sử dụng ra đa tiếp nhận 96L6 với tầm quét 300 km, cũng đặt trên xe tải MZKT-7930. Một rađa khác được tích hợp là ra đa mảng pha 3 chiều 91N6E, phiên bản nâng cấp từ 64N6E2.

Một số loại ra đa khác có thể được sử dụng trên S-400 là ra đa băng tần L 59N6 Protivnik GE và 67N6 Gamma DE, ra đa tần số rất cao (VHF) 1L119 Nebo SVU, hoặc ra đa đa tần Nebo M. Người ta hiện đang thử nghiệm các hệ thống định vị phát xạ Topaz Kolchuga M, KRTP-91 Tamara, và 85V6 Orion với nhiệm vụ "tìm bắt" các mục tiêu đã "qua mặt" hệ thống ra đa tiếp nhận hoặc khi ra đa tiếp nhận đã bị đối phương gây nhiễu.

Một tiểu đoàn S-400 có thể theo dõi 300 mục tiêu ở phạm vi 600 km. Một lữ đoàn tác chiến (gồm 6 tiểu đoàn hợp thành) có thể khóa 36 mục tiêu và điều khiển đồng thời 72 tên lửa tấn công 36 mục tiêu này. Năm 2015, nhà sản xuất tuyên bố tính năng của S-400 đã được tăng cường, một lữ đoàn tác chiến lớn (gồm 6 tiểu đoàn hợp thành) có thể khóa 80 mục tiêu và điều khiển đồng thời 160 tên lửa tấn công 80 mục tiêu này.

Thường thì 1 tiểu đoàn S-400 có khoảng 12 xe phóng với 48 tên lửa tầm xa hoặc rất xa (mỗi xe phóng có 4 tên lửa). Nếu muốn mang được nhiều tên lửa hơn thì có thể dùng loại tên lửa cỡ nhỏ và có tầm bắn ngắn hơn như 9M96E hoặc 9M96E2 (mỗi ống phóng tên lửa cỡ lớn có thể thay bằng 4 ống phóng tên lửa cỡ nhỏ), nếu dùng toàn bộ tên lửa 9M96E/E2 thì 12 xe phóng có thể mang tới 192 tên lửa. Khả năng tiêu diệt mục tiêu phụ thuộc vào tên lửa và hệ thống sử dụng.

S-400 được trang bị và sử dụng các loại tên lửa sau: Tên lửa tầm cực xa 40N6 với tầm bắn lên đến 400 km. Sử dụng đầu đạn định vị rađa chủ động.

Tên lửa tầm xa 48N6DM có tầm bắn 250 km. Sử dụng đầu đạn định vị ra đa bán chủ động.

Tên lửa 48N6E3/48N6E2, tầm bắn 250/200 km, có thể hạ mục tiêu bay với vận tốc 4800/2800 m/s hoặc tên lửa bay với vận tốc 2000 m/s.

Tên lửa 9M96E2 có thể bắn hạ mục tiêu bay ở khoảng cách lên đến 120 km, trần bay từ khoảng 5 mét đến 30 km. Khả năng bắn hạ tốt nhất đối với các mục tiêu bay nhanh và cơ động cao ví dụ máy bay tiêm kích. Nặng 420 kg và sử dụng đầu đạn định vị bằng ra đa.

Tên lửa 9M96E tầm trung (40 km), trần bay 20 km, nặng 333 kg. Đầu đạn định vị ra đa chủ động.

Tên lửa 9M96 tầm trung (120 km), chỉ dùng trong nội địa và không xuất khẩu. Tỉ lệ bắn hạ đối với tên lửa đối phương là gần 100%, còn đối với máy bay hay máy bay không người lái là 90% và 80%.

Thử nghiệm cho thấy tên lửa có thể bay tới độ cao 56 km, giúp nâng cao đáng kể khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm trung và gần. Tên lửa chống tên lửa đạn đạo 77N6-N và 77N6-N1 được đưa vào sử dụng năm 2014. Được kỳ vọng là giúp nâng cao khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo với khả năng tiêu diệt mục tiêu bằng động năng.

Phạm Trúc