Phát ngôn viên Taliban Mohammad Suhail Shaheen nói với TASS hôm 8/7, lực lượng này không có kế hoạch tấn công biên giới Afghanistan- Tajikistan.

"Chắc chắn, chúng tôi sẽ không tấn công biên giới giữa Tajikistan và Afghanistan, chúng tôi đảm bảo điều này và đó là chính sách của chúng tôi.", ông Shaheen nói.

leftcenterrightdel
Các chiến binh Taliban tuần tra tại vùng nông thôn Afghanistan. Ảnh: AFP. 

Hôm 5/7, Biên phòng Tajikistan cho biết, hơn 1.000 binh sĩ Quân đội chính phủ Afghanistan đã tháo chạy sang lãnh thổ nước này sau cuộc đụng độ với lực lượng Taliban. Cũng theo thông báo, binh sĩ Afghanistan đã phải lánh sang lãnh thổ của Tajikistan nhiều lần trong những tuần qua. Chính phủ Tajikistan đã huy động 20.000 binh sĩ để tăng cường biên giới với Afghanistan.

Trước đó, Tổng thư kí Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể-CSTO (một liên minh quân sự giữa các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan) Stanislav Zas tuyên bố, tình hình ở các khu vực phía bắc Afghanistan đang xấu đi, tiềm ẩn xung đột, bất ổn. Theo ông Zas, CSTO nên hỗ trợ Tajikistan bảo vệ biên giới phía nam của mình.

leftcenterrightdel
Các chiến binh Taliban tiếp quản một căn cứ quân sự của Quân đội Afghanistan sau khi lực lượng này đầu hàng. Ảnh: Sky News. 

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga lưu ý, Moscow và Dushanbe là đồng minh theo Hiệp ước CSTO và Nga có một căn cứ quân sự ở Tajikistan. "Nếu Tajikistan bị tấn công, điều này tất nhiên sẽ là một chủ đề của cuộc thảo luận ngay lập tức trong CSTO.", ông Sergey Lavrov nói.

Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Tajikistan từ biên giới với Afghanistan, CSTO sẽ có hành động khẩn cấp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố.

leftcenterrightdel
Hàng loạt xe bọc thép Humvee do Mỹ sản xuất đã rơi vào tay Taliban. Ảnh: Sky News. 

Vào ngày 1/7, Hội đồng Nghị viện CSTO đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình ở Afghanistan, đồng thời kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị nước này hướng tới một tiến trình hòa bình.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, trong cuộc hội đàm với phái đoàn Taliban tại Moscow hôm 8/7, phía Nga đã bày tỏ quan ngại về tình hình sự leo thang căng thẳng ở khu vực phía bắc của Afghanistan, kêu gọi tránh xung đột lan rộng ra bên ngoài Afghanistan.

leftcenterrightdel
Vũ khí và bệ phóng tên lửa Taliban thu giữ từ lực lượng Quân đội Afghanistan. Ảnh: Sky News. 

Taliban đã đảm bảo với Nga, lực lượng này sẽ không xâm phạm biên giới của các quốc gia Trung Á, đảm bảo “sự an toàn của các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Afghanistan. Taliban nhấn mạnh quyết tâm của nhóm chống lại mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Afghanistan.”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nói.

leftcenterrightdel
Taliban công bố hình ảnh binh sĩ Quân đội Afghanistan hạ vũ khí đầu hàng. Nguồn: Taliban. 

Trong một động thái liên quan, Tổng tham mưu trưởng CSTO, Đại tá Anatoly Sidorov cho biết hôm 8/7, Taliban đã thiết lập các trạm kiểm soát gần biên giới với Tajikistan. Trong khi Sutnik dẫn thông tin từ chính quyền Khu tự trị Gorno-Badakhshan của Tajikistan nói, sau khi chiếm giữ đồn biên phòng của Quân đội chính phủ Afghanistan vào ngày 5/7, Taliban đã cắm cờ tại đây.

leftcenterrightdel
Hơn 1.000 binh sĩ Chính phủ Afghanistan đã “rút lui” sang lãnh thổ Tajikistan sau cuộc đụng độ với Taliban. Ảnh: Reuters. 

Tin nói, đêm rạng sáng ngày 5/7, lính biên phòng Afghanistan đã đầu hàng, bỏ trạm kiểm soát mà không chiến đấu, 312 binh sĩ vượt qua cây cầu bắc qua sông Panj, chạy sang nước láng giềng Tajikistan.

Tại Afghanistan, hiện đang diễn ra cuộc đối đầu giữa lực lượng chính phủ và Taliban. Chiến binh Taliban đã chiếm giữ các vùng lãnh thổ quan trọng ở các vùng nông thôn và tiến hành cuộc tấn công nhằm vào các thành phố lớn. Sự leo thang đang diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ rút lui. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov gọi cuộc rút lui này là sự thừa nhận sứ mệnh Mỹ thất bại tại Afghanistan, theo Sputnik.

Huy Anh/TASS