leftcenterrightdel
 Khói bốc lên sau một vụ không kích ở phía tây bắc thủ đô Damascus, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Hành động đơn phương tấn công nhằm vào một quốc gia có chủ quyền đã bị lên án gay gắt, đồng thời cũng làm dấy lên hàng loạt cuộc tranh luận và gây chia rẽ ngay trong nội bộ các nước tham gia cuộc tấn công là Mỹ, Anh, Pháp. Tuy nhiên, tuyên bố của các bên sau vụ tấn công dường như cho thấy vụ việc này ít tác động tới diễn biến tình hình thực địa Syria, trong khi Mỹ, Anh và Pháp cũng không đặt mục tiêu phải giành được lợi thế cụ thể từ đó. 

Ngoài những thiệt hại không đáng kể mà phía Syria công bố, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng tin tưởng hành động trên của ba nước phương Tây sẽ không làm suy yếu quyết tâm chống khủng bố của người dân tại quốc gia Trung Đông này. Đáng lưu ý là quân đội Syria ngày 14/4 cũng tuyên bố thị trấn Douma, nơi được cho là xảy ra vụ tấn công vũ khí hóa học mà phương Tây lấy làm cớ để tấn công Syria, đã "hoàn toàn được giải phóng” sau khi nhóm phiến quân cuối cùng rời đi. 

Thị trấn Douma là "cứ điểm" cuối cùng do phe đối lập Syria nắm giữ ở cửa ngõ Damascus, bởi vậy việc giành lại Douma về cơ bản đã chấm dứt hoạt động giao tranh kéo dài gần 7 năm ở khu vực lân cận Damascus và đánh dấu chiến thắng quan trọng nhất của Tổng thống Assad từ khi quân đội giành lại thành phố Aleppo vào cuối năm 2016. 

Trong khi đó, bên tấn công, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng nhận định "Sứ mệnh đã hoàn thành". Tuyên bố của ông Trump cùng với diễn biến và những thiệt hại gây ra sau đợt tấn công cho thấy mục tiêu chính của hành động quân sự này là thể hiện sức mạnh mang tính chính trị và "răn đe" nhiều hơn. 

Tổng thống Donald Trump tuyên bố rất mạnh miệng nhưng hành động tấn công có vẻ đã được lên kế hoạch và tính toán cẩn thận để thiệt hại không quá lớn. Có những thông tin cho rằng Nga đã được phương Tây thông báo về vụ tấn công, thậm chí Nga cũng thông báo với Syria để nước này chuẩn bị đối phó. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, có trụ sở tại Anh, còn cho biết các mục tiêu tấn công đã được sơ tán trước khi các tên lửa được phóng đi. Điều đó lý giải tại sao hơn 100 quả tên lửa đã được phóng đi song thiệt hại không lớn. Các tên lửa hành trình của Mỹ, Anh và Pháp đều tránh đi ngang khu vực có lưới phòng không của Nga ở Syria. Giới quan sát cho rằng cuộc tấn công được thiết kế để không ảnh hưởng tới các "nhân tố không phải Syria ở Syria". 

Sau hàng loạt chiến thắng của quân đội Syria, Mỹ dường như đang thừa nhận một thực tế rằng một sự kiện kiểu "Mùa Xuân Arab" tại Syria khó thành công bởi tương quan lực lượng tại quốc gia Trung Đông đã có nhiều thay đổi kể từ năm 2011, phe đối lập tại Syria chia rẽ sâu sắc, trong khi chính quyền Tổng thống Adsad luôn nhận được sự hỗ trợ của Nga và cả Iran, một cường quốc trong khu vực Trung Đông, đã bảo đảm được quyền kiểm soát hầu hết các khu vực chiến lược.

Trong khi đó, vai trò của Mỹ tại Syria tỏ ra suy yếu, đặc biệt khi lực lượng IS tại Syria bị đánh bại và đóng góp của liên quân chống khủng bố do Mỹ đứng đầu được cho là không đáng kể. Trong bối cảnh đó, Mỹ sẽ tìm cách kéo dài "cuộc chơi" tại Syria thông qua các hình thức như huấn luyện lực lượng mới mang tên Quân đội Syria mới (NSA), được thành lập từ các nhóm tay súng riêng biệt, hay hỗ trợ tái thiết Syria thời hậu chiến. Dù thế nào, Syria và Trung Đông vẫn được xem là nguồn gốc của nhiều vấn đề chiến lược quan trọng, khu vực có lợi ích đặc biệt đối với Mỹ.

Không những vậy, nằm ở vị trí chiến lược - cửa ngõ dẫn vào Trung Đông và Vùng Vịnh, Syria đang trở thành trọng tâm của cuộc đua tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Nếu xét trên quan điểm này, Mỹ sẽ không rút quân khỏi Syria như những úp mở gần đây của Tổng thống Trump mà sẽ tìm cách giành lại ảnh hưởng và duy trì sức mạnh tại đây. Khi đó, Mỹ và Nga sẽ luôn ở "hai bờ chiến tuyến" cạnh tranh lợi ích lẫn nhau tại Syria. Vấn đề là "quân bài" Syria có đủ sức nặng để đẩy Mỹ và Nga vào một cuộc chiến đối đầu trực tiếp hay không. 

Việc Nga mặc dù lên án mạnh mẽ hành động quân sự của Mỹ, Anh và Pháp, đồng thời đề xuất dự thảo tại HĐBA LHQ , song không có hành động “đáp trả” về quân sự, được nhìn nhận như một tính toán khôn ngoan. Trên thực tế, theo thỏa thuận với Damascus, các hệ thống phòng của Nga tại Syria có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ không quân Khmemim và căn cứ hải quân Tartus. Việc không một cơ sở nào của Nga tại Syria bị tổn hại khiến Moskva không có lý do để đáp trả. 

Hơn nữa, mục đích của việc Nga triển khai hệ thống phòng không S-400 tại Syria là để bảo vệ các cơ sở của Nga tại đây, chứ không phải bảo vệ tất cả các cơ sở của đồng minh Syria. Đó là lý do tại sao Nga không kích hoạt S-400 khi Mỹ phóng Tomahawk. Trong trường hợp này, việc Nga chọn cách đầu trực diện về quân sự với Mỹ trên lãnh thổ một nước thứ 3 như Syria, sẽ là lựa chọn quá mạo hiểm, bởi đằng sau Mỹ còn có Anh, Pháp và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hơn thế nữa, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư và sẽ nhậm chức vào tháng 5 tới. Nhiệm kỳ mới của ông Putin được đánh giá là hết sức khó khăn bởi nước Nga vẫn trong tình trạng kinh tế chưa ổn định khi các lệnh trừng phạt của phương Tây chống Nga đang ngày càng siết chặt, mối quan hệ Nga-Mỹ ngày càng căng thẳng,... Trong bối cảnh đó, ông Putin hẳn không muốn mở ra một chiến trường đối đầu quân sự với Mỹ. Phản ứng khá thận trọng của Tổng thống Nga trong trường hợp này được hiểu là để tránh gây tổn hại tới các thành quả mà ông đã đạt được ở Syria cũng như tới ảnh hưởng và uy tín ở trong nước. 

Nếu xét tới cục diện các bên hiện nay, Moskva đã khẳng định được vai trò và tầm ảnh hưởng tại Trung Đông khi hỗ trợ quân đội Syria đập tan lực lượng khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS)  tự xưng, bảo vệ chính quyền của Tổng thống Adsad và trở thành “bên dẫn dắt” cho các cuộc đàm phán hướng tới một giải pháp chính trị tại Syria. Thông qua việc “thu hút” được cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ , vốn là các bên có nhiều mâu thuẫn về lợi ích trong vấn đề Syria, tham gia thúc đẩy tiến trình này, vị thế của Nga tại Syria hầu như được đảm bảo. 

Về mặt quân sự, mặc dù Tổng thống Nga Putin từ cuối năm ngoái đã ra lệnh rút bớt lực lượng Nga được triển khai tới Syria từ tháng 9/2015 theo đề nghị của Damascus để hỗ trợ quân đội Syria chống khủng bố, song có thể nói Moskva đã “chắc chân” tại Syria với 2 căn cứ quân sự lâu dài. Sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria dựa trên một hiệp định ký kết với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, theo đó, Nga đã xây dựng hai căn cứ cố định và được hoạt động trong khoảng thời gian không giới hạn. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đang giành lợi thế trong cuộc xung đột tại Syria, Nga vẫn duy trì được ảnh hưởng cả vô hình lẫn hữu hình tại Syria  nói riêng và Trung Đông nói chung. 

Về dài hạn, việc Nga bắn hạ tên lửa của Mỹ và đồng minh sẽ chỉ kéo Moskva lún sâu hơn vào đối đầu. Thậm chí có ý kiến cho rằng những thế lực diều hâu ở phương Tây hoàn toàn muốn Nga phản ứng bằng quân sự trong vụ việc này, và khi đó cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh sẽ biến thành "mồi nhử" để Moskva "sập bẫy". Nếu Nga phản ứng bằng quân sự, cuộc đối đầu có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát bởi các bên đều là các cường quốc hạt nhân. Thái độ kiềm chế của Nga trong vụ việc này, vì thế được đánh giá là bước đi có trách nhiệm. Điều đó cũng đang được giới chức Nga so sánh với vụ tấn công quân sự của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria, khi nói rằng "phương Tây hung hăng đang đẩy thế giới đứng trước bất ổn và phớt lờ luật pháp quốc tế". 

Có thể nói "cán cân quyền lực" giữa các bên vẫn không thay đổi sau hơn 100 quả tên lửa, Mỹ khó có thể mở thêm các cuộc tấn công quy mô gây thiệt hại cho Nga tại Syria, còn Moskva sẽ né tránh các động thái quyết liệt làm bùng phát một cuộc đụng độ quân sự trực diện mất kiểm soát. Nói cách khác, mục tiêu chính của Mỹ, Anh và Pháp trong vụ tấn công vừa qua là tạo sức ép cho đối phương, giành thêm lợi thế trên bàn mặc cả, bởi bất chấp những quan điểm trái ngược trong vấn đề Syria, Mỹ và Nga khó có thể bỏ qua tiếng nói của nhau nếu muốn tiếp tục bảo đảm được lợi ích ở Syria. Tuy nhiên, "cuộc đấu" cam go về lợi ích địa-chính trị giữa Nga - Mỹ tại Syria vẫn còn tiếp diễn, và việc các vũ khí quân sự tối tân bậc nhất của hai bên hiện diện tại Syria và trong khu vực với mật độ dày đặc, cùng với những hành động đơn phương tấn công như vụ ngày 14/4, vẫn khiến dư luận quốc tế lo ngại về kịch bản tồi tệ nhất giữa hai cường quốc.

Thanh Mai (TTXVN)