Hôm 1/3, Thủ tướng mới được Quốc hội Libya chỉ định Fathi Bashagha đã đệ trình nội các và được 92 trong số 101 nhà lập pháp tham dự thông qua.

Trước đó với lập luận rằng, nhiệm vụ của chính phủ lâm thời Dbeibah đã kết thúc khi cuộc bầu cử Tổng thống được ấn định vào cuối năm ngoái đã không diễn ra, Quốc hội Libya tuyên bố nội các này không hợp pháp và sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 10/2 để chọn một Thủ tướng mới đứng đầu chính phủ chuyển tiếp.

Trong khi đó Thủ tướng lâm thời đương nhiệm Abdulhamid al-Dbeibah, người được chỉ định thông qua một quy trình do Liên hợp quốc hỗ trợ vào năm ngoái, bác bỏ động thái của Quốc hội, tuyên bố sẽ chỉ giao quyền lực cho một chính phủ dân cử sau khi cuộc bầu cử quốc gia hoàn thành, dự kiến vào tháng 6.

leftcenterrightdel
Thủ tướng lâm thời Abdulhamid al-Dbeibah và Tân Thủ tướng Fathi Bashagha được Quốc hội Libya mới chỉ định. Ảnh: Zoubeir Souissi/ Archyde. 

Diễn biến mới làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya với nguy cơ hai chính quyền cùng song song tồn tại như từng xảy ra trong nhiều năm qua.

Libya đã lâm vào bất ổn kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 do NATO hậu thuẫn lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, khiến từ năm 2014, đất nước bị kiểm soát bởi các phe phái đối đầu ở phía đông và phía tây.

Doanh nhân quyền lực Dbeibah được bổ nhiệm vào tháng 3 năm ngoái với tư cách là người đứng đầu Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) do LHQ hậu thuẫn, nhằm thống nhất các thể chế chính trị chia rẽ đất nước và giám sát việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên của nước này, dự kiến diễn ra vào ngày 24/12/2021, như một phần của tiến trình hòa bình.

Các phe phái đối địch đã tranh giành quyền lực sau khi kế hoạch bầu cử đổ vỡ, do những tranh chấp về các quy tắc bầu cử, bao gồm cả tính hợp pháp của ứng cử viên Tổng thống của chính ông Dbeibah, sau khi ông này cam kết không tranh cử.

Văn Phong (theo Alja)