Trong khi Quân đội quốc gia Libya (LNA) tuyên bố hôm thứ Năm, 4/6, việc rút các lực lượng và tái định vị bên ngoài thủ đô Tripoli để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, thì người đứng đầu Chính phủ Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, Fayez al-Sarraj, tuyên bố, NTC từ chối đàm phán với Quân đội Quốc gia Libya do nguyên soái Khalifa Haftar lãnh đạo, gọi ông này là… “tội phạm chiến tranh”; và rằng chiến tranh vẫn sẽ tiếp tục, theo AMN.
Trong một cuộc họp báo chung ở Ankara với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Al-Sirraj đã cam kết tiếp tục cuộc đấu tranh cho đến khi “kẻ thù bị loại bỏ hoàn toàn”.
Al-Sirraj gọi Haftar là “tội phạm chiến tranh” và không phải là đối tác trong một tiến trình chính trị; đồng thời kêu gọi các quốc gia ủng hộ Haftar hãy.. “dừng tay ở Libya”.
Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Libya công bố thỏa thuận giữa NTC và NLA để tiếp tục đàm phán ngừng bắn.
|
|
Quân đội quốc gia Libya (LNA) tuyên bố rút khỏi Tripoli để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, cho rằng, đây là giải pháp đúng đắn tiến tới chấm dứt đổ máu của người Libya, bao gồm dân thường, là mục tiêu bừa bãi của một số lực lượng. Ảnh: AMN. |
Đáp lại công bố này, người phát ngôn của Quân đội Libya, Thiếu tướng Ahmed Al-Mismari, cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 4/6: “Dựa trên sự chấp thuận của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ả Rập Libya để tiếp tục tham gia vào Ủy ban Quân sự ngừng bắn 5 + 5 do Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) giám sát, Bộ Tư lệnh tuyên bố rằng họ đang di dời các đơn vị của mình bên ngoài Tripoli với điều kiện là phía bên kia cam kết ngăn chặn bạo lực.
“Trong trường hợp không tuân thủ điều này, Bộ Tổng tư lệnh sẽ tiếp tục chiến đấu và đình chỉ tham gia vào Ủy ban ngừng bắn 5 + 5”, thông cáo nói thêm.
Al-Mismari giải thích trong tuyên bố của mình rằng, “đây là bước tiến đi đến sự thắng lợi của Ủy ban Quân sự 5 + 5 và là hành động được mong đợi, ủng hộ giải pháp chính trị như một sáng kiến, đáp ứng yêu cầu của nhiều quốc gia và tổ chức quan tâm vấn đề Libya. Đó cũng là khởi xướng có tính chất nhân đạo và đúng đắn của chúng ta trước sự đổ máu của người Libya, khi dân thường là mục tiêu bừa bãi của dân quân Al-Wefaq”.
Trong khi đó, NTC đã công bố vào thứ năm, 4/6, lực lượng này đã kiểm soát toàn bộ biên giới hành chính của thủ đô Tripoli, bao gồm cả sân bay quốc tế Tripoli.
Liên quan đến tiến trình hòa giải ở Libya, ngày 12/7/2015, tại thành phố Skhirat của Morocco, các lực lượng chính trị ở Libya đã ký tắt vào thỏa thuận hòa bình do LHQ bảo trợ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và tổ chức các cuộc bầu cử mới.