Theo báo cáo mà tờ The Drive tiết lộ ngày 24/4, vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, hệ thống điều khiển hỏa lực “Baget 55” trên chiếc MiG-31 đã không kịp xử lý dữ liệu từ hệ thống radar Zaslon-AM mới nâng cấp, khiến tín hiệu nhận diện địch-ta đã không hoạt động.

leftcenterrightdel
 Siêu tiêm kích MiG-31 của quân đội Nga.

Cùng lúc đó, phi công lái chiếc MiG-31 trong cùng phi đội với chiếc bị rơi đã đưa ra nhận định chưa chính xác về mục  tiêu giả định, rồi bất ngờ khóa mục tiêu vào tiêm kích của đồng đội và phóng tên lửa.

Theo bản báo cáo, loại tên lửa được phóng đi là tên lửa không đối không R-33 uy lực. Phi công trên chiếc MiG-31 bị nhắm bắn gần như không có cơ hội nào chống lại. Chiếc máy bay của người này trúng tên lửa rồi lao xuống đất ở vùng Siberia.

“Chiếc máy bay rơi ở khu vực diễn tập và không có dân thường sinh sống. Cả hai phi công trên chiếc máy bay đều kịp phóng ghế thoát nạn”, Bộ Quốc phòng Nga khi đó nói về vụ rơi máy bay. “Không ai trong số họ gặp nguy hiểm tỉnh mạng”.

Tiêm kích MiG-31, có tên định danh của NATO là Foxhound, được đưa vào sử dụng năm 1982, 7 năm sau chuyến bay đầu tiên vào năm 1975. MiG-31 là chiến đấu cơ có tốc độ nhanh nhất thế giới trong gần 4 thập kỉ khi có tốc độ tối đa tới Mach 2,83, khoảng 3.000 km/h và đủ sức đạt tốc độ siêu âm ngay cả khi bay ở tầm thấp.

MiG-31 hiện đang phục vụ trong Không quân Nga và Không quân Kazakhstan. Đây là máy bay đầu tiên được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động trên thế giới, cho phép theo dõi đồng thời 24 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.

Theo Sputnik, một biên đội 4 chiếc MiG-31 có thể quản lý vùng trời rộng 800 km, phù hợp với không phận rộng lớn của Nga. MiG-31 cũng là loại chiến đấu cơ được Moscow cải tiến để trang bị siêu tên lửa Kinzhal.

Thái An